Israel lo ngại Bờ Tây có thể trở thành ‘mặt trận thứ ba’ khi căng thẳng leo thang

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Israel chuẩn bị xâm chiếm Dải Gaza đang bị bao vây, các quan chức quân sự đã bày tỏ lo ngại về khả năng xuất hiện "mặt trận thứ ba" ở Bờ Tây lân cận, nơi Israel chiếm đóng từ năm 1967.

Ngày 20/10, ông Jonathan Conricus, phát ngôn viên quân đội, nói với tờ Reuters rằng nhóm khủng bố Hamas có trụ sở tại Gaza muốn "nhấn chìm" Israel trong một "cuộc chiến hai hoặc ba mặt trận".

Vị phát ngôn viên cho biết: “Mối đe dọa đang dâng cao”.

Bờ Tây là nơi sinh sống của khoảng 2,75 triệu người Palestine và 670.000 người Do Thái định cư, bao gồm Đông Jerusalem do Israel chiếm đóng. Nơi này từ lâu đã trở thành điểm nóng về bạo lực giữa hai bên.

Những lo ngại của Israel về “mặt trận thứ ba” xuất phát từ Bờ Tây trùng hợp với chiến dịch không kích đang diễn ra của Israel nhằm vào Dải Gaza do Hamas điều hành.

Trong 13 ngày qua, máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công vùng đất ven biển, san bằng các tòa nhà và giết chết hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người Palestine.

Các cuộc không kích nhằm đáp trả cuộc đột kích xuyên biên giới kinh hoàng của phiến quân Hamas vào ngày 7/10, khiến khoảng 1.400 người Israel, bao gồm cả binh lính và dân thường, thiệt mạng.

Trong cuộc tấn công, các tay súng Hamas cũng bắt cóc nhiều người Israel làm con tin, hy vọng đổi họ lấy hàng nghìn người Palestine đang mòn mỏi trong các nhà tù của Israel.

Vào ngày 20/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố rằng cuộc xung đột quân sự của Israel ở Gaza nhằm mục đích “trừ khử” Hamas và thiết lập một “khuôn khổ an ninh” mới.

Cùng ngày, Bộ Y tế Gaza cho biết các cuộc không kích thâu đêm suốt sáng của Israel đã khiến hơn 4.000 người Palestine thiệt mạng và 13.000 người khác bị thương.

Israel cũng đe dọa tiến hành một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Dải Gaza, nơi quy tụ hàng trăm binh sĩ và xe tăng cùng các loại vũ khí tấn công khác.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ khi nào hoặc liệu Israel có tiến hành cuộc xâm lược trên bộ như đã đe dọa hay không.

Vào ngày 19/10, ông Gallant nói rằng quân đội Israel tập trung dọc theo biên giới của vùng đất này sẽ sớm nhìn thấy Dải Gaza do Hamas điều hành “từ bên trong”.

Kể từ năm 2007, Israel và Ai Cập đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với Dải Gaza, nơi có chung đường biên giới dài 7,5 dặm (khoảng 120 km) với lãnh thổ Palestine.

Hezbollah: 'Mặt trận thứ 2' của Israel

Israel cũng đã giao tranh với lực lượng dân quân người Shia Hezbollah ở Lebanon, lực lượng mà Israel tiếp tục đấu súng xuyên biên giới kể từ khi vòng chiến sự mới ở Trung Đông bắt đầu.

Cả hai bên đều tuyên bố có thương vong, bao gồm cả quân đội Israel và các chiến binh Hezbollah, cũng như thường dân Israel và Lebanon.

Trong bối cảnh các cuộc trao đổi pháo binh ăn miếng trả miếng, Israel hôm 20/10 cho biết họ có kế hoạch sơ tán 20.000 cư dân tại thị trấn Kiryat Shmona phía bắc Israel.

Theo một phát ngôn viên của quân đội Israel, việc rút quân quy mô lớn là nhằm mang lại cho binh lính Israel nhiều "quyền tự do hoạt động" hơn chống lại Hezbollah.

Hezbollah, lực lượng mà Israel đã tham gia vào cuộc chiến đẫm máu kéo dài một tháng vào năm 2006, có liên kết chặt chẽ với Iran - từ lâu được coi là kẻ thù không đội trời chung của nhà nước Do Thái trong khu vực.

Trong một tuyên bố ngày 20/10, Hezbollah cảnh báo rằng “việc sát hại thường dân Lebanon và các cuộc tấn công vào an ninh đất nước chúng tôi [của Israel] sẽ không bị đáp trả”.

Giữa những cuộc giao tranh bằng pháo binh ăn miếng trả miếng, Israel tuyên bố vào ngày 20/10 rằng họ sẽ sơ tán 20.000 cư dân ở thị trấn Kiryat Shmona phía bắc Israel.

Trong chuyến thăm Beirut tuần trước, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã cảnh báo rằng "tội ác chiến tranh" của Israel đối với người Palestine ở Gaza sẽ gây ra phản ứng từ "trục kháng cự".

“Trục kháng cự” là thuật ngữ địa chính trị đề cập đến một liên minh không chính thức giữa các quốc gia và thực thể trong khu vực thù địch với Israel.

"Trục kháng cự" còn bao gồm Syria, Hezbollah, các nhóm khủng bố Hamas và Jihad Hồi giáo có trụ sở tại Gaza.

Ông Amir-Abdollahian cũng đã gặp gỡ thủ lĩnh lâu năm của Hezbollah, ông Hassan Nasrallah trong chuyến thăm tới thủ đô Lebanon.

Tehran đã ca ngợi cuộc đột kích xuyên biên giới của Hamas vào Israel trong khi bác bỏ tuyên bố của Israel và phương Tây rằng lực lượng này đóng một vai trò quan trọng trong vụ tấn công chết người.

Bờ Tây tại sục sôi

Bờ Tây do Israel chiếm đóng, một vùng đất riêng biệt của người Palestine không giáp biển, được Chính quyền Palestine (PA) có trụ sở tại Ramallah kiểm soát một phần (cùng với Israel), cũng đã chìm trong bạo lực.

Tờ Reuters đưa tin hôm 20/10, kể từ đợt bạo lực gần nhất bùng phát vào ngày 7/10, hơn 80 người Palestine ở Bờ Tây đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân đội Israel và những người định cư Do Thái có vũ trang.

Theo hãng tin này, lực lượng an ninh Israel đã bắt giữ 900 người Palestine ở Bờ Tây trong cùng khoảng thời gian đó.

Hàng trăm người khác được cho là đã bị bắt giữ trong các chiến dịch của Israel vào rạng sáng ngày 20/10.

Theo quân đội Israel, ít nhất một sĩ quan Israel đã thiệt mạng khi tham gia các cuộc đột kích trước bình minh.

Một ngày trước đó, các máy bay chiến đấu của Israel được cho là đã tấn công một trại tị nạn ở Bờ Tây, khiến 12 người Palestine thiệt mạng, các quan chức PA cho biết.

The Epoch Times không thể xác minh độc lập các tuyên bố của cả hai bên.

Cùng với việc phong tỏa Gaza kéo dài 16 năm, Hamas đã viện dẫn các chính sách nặng tay của Israel ở Bờ Tây là nguyên nhân dẫn đến cơn thịnh nộ xuyên biên giới chết người của họ.

Kể từ vụ nổ ngày 17/10 tại một bệnh viện ở Gaza khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng, các cuộc biểu tình giận dữ đã nổ ra lẻ tẻ trên khắp Bờ Tây.

Israel và người Palestine đã đổ lỗi cho nhau về vụ nổ bệnh viện, theo Bộ Y tế Gaza, khiến hơn 450 người Palestine thiệt mạng.

Người Palestine ở Ramallah đã yêu cầu Tổng thống PA Mahmoud Abbas từ chức, cáo buộc ông này đã không làm đủ để ngăn chặn cuộc tấn công của Israel vào Gaza.

Trong khi ông Abbas lên án cuộc chiến của Israel tại vùng đất ven biển, lực lượng an ninh của ông cũng đã trấn áp các cuộc biểu tình của người Palestine ở Bờ Tây.

Vào ngày 18/10, ông Abbas đã hủy cuộc gặp bốn bên (được lên kế hoạch từ trước) với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Nhà lãnh đạo Mỹ đến khu vực này để bày tỏ sự ủng hộ hết mình đối với Israel.

Ông Abbas được các nhà lãnh đạo Ai Cập và Jordan, cả hai đều là đồng minh lâu đời trong khu vực của Mỹ, ủng hộ việc từ chối gặp Tổng thống Biden.

Năm 1967, Israel đã chinh phục Dải Gaza từ Ai Cập cũng như Bờ Tây từ quốc gia láng giềng Jordan.

Năm 2005, lực lượng Israel đã rút khỏi khu vực này trong khi Bờ Tây vẫn nằm dưới sự chiếm đóng của Israel.

Năm 2007, Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza từ Fatah, phe đối lập của người Palestine do ông Abbas lãnh đạo.

Bất chấp sự thù địch lâu dài giữa hai phe, chỉ huy Mowafaq Sehweel của Fatah nói với tờ Reuters hôm 20/10: “Chúng ta nên buông dây cương và sử dụng mọi biện pháp để chống lại sự chiếm đóng của [Israel]”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Israel lo ngại Bờ Tây có thể trở thành ‘mặt trận thứ ba’ khi căng thẳng leo thang