Mỹ hoan nghênh nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và Palestine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 30/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Eli Cohen và tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ giữa hai nước. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích nỗ lực cải cách tư pháp của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Tổng thống Biden cho biết hôm 28/3 rằng: "Giống như nhiều người ủng hộ Israel, tôi vô cùng lo ngại. Và tôi e rằng họ đã làm đúng. Họ không thể tiếp tục đi theo con đường này".

Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố rằng ông sẽ không gặp Thủ tướng Israel Netanyahu "trong tương lai gần”.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ không đề cập rõ ràng đến nỗ lực cải cách tư pháp của Israel, mặc dù Bộ Ngoại giao cho biết Ngoại trưởng Blinken “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế các hành động đơn phương đã làm trầm trọng thêm căng thẳng”.

Theo đó, ông Blinken đã "tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương lâu đời giữa Mỹ và Israel”.

Hai bên đã thảo luận về các thách thức chung, bao gồm Iran cũng như nỗ lực thúc đẩy các mối quan tâm chung như việc Israel tiếp tục hội nhập trong khu vực.

“Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhắc lại cam kết của Mỹ đối với giải pháp hai nhà nước và hoan nghênh các nỗ lực gần đây nhằm xuống thang căng thẳng giữa Israel và Palestine thông qua các cuộc họp ở Aqaba và Sharm el-Sheikh. Ngoại trưởng Blinken cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế các hành động đơn phương có thể khiến căng thẳng gia tăng”.

Cuộc họp tại Aqaba, Jordan, diễn ra vào ngày 26/2 và thông cáo chung tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, diễn ra vào ngày 19/3.

Hôm 27/3, ông Netanyahu thông báo rằng Israel sẽ tạm dừng các nỗ lực cải cách tư pháp cho đến phiên họp lập pháp tiếp theo, dự kiến diễn ra sau Lễ Vượt Qua.

Lễ Vượt Qua (hay Lễ Quá Hải, Lễ Passover) là dịp lễ quan trọng nhất của người Do Thái, kéo dài một tuần.

Tại Israel, Lễ Vượt Qua bắt đầu vào ngày 5/4 và kết thúc vào ngày 12/4. (kết thúc vào ngày 13/4 đối với những quốc gia ngoài Israel).

"Tôi đang đóng băng nỗ lực cải cách tư pháp”, Thủ tướng Israel cho hay.

Ông Netanyahu cũng hứa hẹn sẽ "mang lại cải cách nhằm khôi phục sự cân bằng giữa các lĩnh vực khác nhau của chính phủ đồng thời củng cố các quyền tự do dân sự”.

Hồi đầu tháng 3, Israel đã chìm trong làn sóng biểu tình và chứng kiến sự chia rẽ trong liên minh cầm quyền trong bối cảnh chính phủ nước này thông qua dự luật cải cách tư pháp nhằm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực giữa 3 nhánh của chính phủ.

Luật này trao cho Thủ tướng và chính phủ - thông qua cơ quan lập pháp mà họ kiểm soát - quyền bác bỏ các quyết định của Tòa án Tối cao. Luật này cũng hạn chế khả năng của tòa án trong việc bác bỏ các đạo luật vi phạm quyền con người và quyền công dân, đồng thời trao cho chính phủ toàn quyền kiểm soát việc bổ nhiệm các vị trí trong ngành tư pháp.

Trước động thái đó, hôm 11/3, khoảng 100.000 người trên khắp đất nước Israel đã xuống đường biểu tình trong tuần thứ 10 liên tiếp nhằm phản đối các kế hoạch cải cách tư pháp trên. Giới phân tích coi các kế hoạch cải cách này là mối đe dọa đối với nền dân chủ.

Những cải cách tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã vấp phải sự phản kháng lớn nhất từng xảy ra ở Israel kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 12/2022. Sự việc này đã trở thành chất xúc tác giúp đoàn kết nhiều nhân tố của một xã hội vốn bị phân cực. Các thành viên của cộng đồng Chính thống cực đoan, cựu quân nhân và giám đốc điều hành trong ngành công nghệ đã xuống đường biểu tình vì lo ngại các biện pháp đó sẽ khiến nền dân chủ bị xói mòn.

Ông Netanyahu và các đồng minh của ông lập luận rằng các biện pháp này nhằm mục đích kiềm chế một tòa án đã vượt quá thẩm quyền của mình. Những người chỉ trích nói rằng cuộc đại tu sẽ làm đảo lộn hệ thống kiểm tra và cân bằng tinh tế của đất nước và đẩy Israel về phía chủ nghĩa độc đoán.

Các nhà phê bình cũng cho rằng trong lúc ông Netanyahu đang bị xét xử vì tội tham nhũng thì động thái này sẽ giúp ông tìm ra lối thoát khỏi các cáo buộc thông qua cuộc đại tu. Ông Netanyahu đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và nói rằng những thay đổi pháp lý không liên quan gì đến phiên tòa xét xử ông.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Repubblica của Ý, ông Netanyahu đã xem nhẹ các cuộc biểu tình và tuyên bố sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.

Ông nói: “Các cuộc biểu tình cho thấy nền dân chủ của chúng ta vững chắc như thế nào. Một cuộc cải cách là điều cần thiết. Hệ thống tư pháp cần phải độc lập chứ không phải toàn năng”.

Trước tình hình rối ren này, Hoa Kỳ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về các cuộc biểu tình.

Hôm 26/3, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson cho biết: “Như Tổng thống đã thảo luận gần đây với Thủ tướng Netanyahu, các giá trị dân chủ đã và đang là dấu ấn của mối quan hệ Mỹ - Israel”.

"Mỹ tiếp tục hối thúc mạnh mẽ các nhà lãnh đạo Israel để tiến tới đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt. Chúng tôi tin rằng đó là con đường tốt nhất cho Israel và người dân của nước này. Cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh và nền dân chủ của Israel vẫn không thay đổi".

Những thay đổi do Israel đề xuất sẽ trao cho chính phủ quyền bổ nhiệm các thẩm phán và cho phép Knesset, Quốc hội của Israel, hủy bỏ các quyết định của Tòa án Tối cao.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ hoan nghênh nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và Palestine