Nhật Bản phô diễn sức mạnh trên biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để cảnh cáo Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 20/4/2023, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF) huy động nhiều chiến hạm và khởi động chuyến hành trình quanh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng trước áp lực quân sự gia tăng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Đây là một hoạt động thường niên của MSDF ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hoạt động lần này sẽ kéo dài đến ngày 17/9/2023, và hạm đội của MSDF sẽ cập cảng ở 17 quốc gia, bao gồm các quốc đảo Kiribati, Quần đảo Solomon, Fiji, Palau và Tonga ở Thái Bình Dương.

Bộ quốc phòng Nhật Bản cho biết hoạt động sẽ bao gồm 1.190 người, 3 tàu ngầm và 3 tàu nổi, trong đó bao gồm cả hạm tàng hình đa nhiệm vụ Kumano.

Hạm đội MSDF cũng sẽ tham gia một số cuộc tập trận, bao gồm cuộc tập trận MALABAR do Úc đăng cai tổ chức, và cuộc tập trận “Pacific Vanguard” (Đội tiên phong Thái Bình Dương). Cuộc tập trận “Pacific Vanguard” còn có sự góp mặt của Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, và Hàn Quốc.

Theo một bài đăng trên tài khoản Twitter của MSDF, “Trong hai tháng tới, Tàu JS Kumano sẽ tăng cường hợp tác với các lực lượng hải quân khác để đảm bảo hoà bình và ổn định của khu vực, đồng thời hiện thực hoá viễn cảnh ‘Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở’”.

Nhật bản đang tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để chống lại áp lực quân sự của Bắc Kinh.

Trong cuộc gặp song phương tại Bắc Kinh vào ngày 2/4/2023, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã bày tỏ quan ngại về hai vấn đề. Thứ nhất là “việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Nhật Bản”, đặc biệt là gần quần đảo Senkaku mà trước đó Trung Quốc cũng đã tuyên bố chủ quyền và bị phía Nhật Bản bác bỏ. Thứ hai là việc hợp tác của Trung Quốc với Nga.

“Nhật bản đang ở giai đoạn then chốt và phải đối mặt với nhiều thách thức. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều là những cường quốc đóng vai trò quan trọng quan trọng đối với sự hòa bình và thịnh vượng của khu vực và cộng đồng quốc tế”, ông Hayashi cho biết.

Ông Hayashi nói thêm rằng Nhật Bản khá lo lắng khi chứng kiến chính quyền Bắc Kinh liên tục tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên biển Đông với các nước láng giềng; bất chấp việc vào năm 2006, Tòa án Công lý Quốc tế Hague đã phủ nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Đồng thời, ông Hayashi cũng nhấn mạnh rằng việc duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan là vô cùng cần thiết.

Trung Quốc cảnh cáo Nhật Bản đừng can thiệp vào vấn đề Đài Loan

Để đáp trả, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) nói rằng vấn đề Đài Loan “là vô cùng trọng yếu đối với lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, và cảnh báo Nhật Bản phải hạn chế “can thiệp vào vấn đề Đài Loan hoặc phá hoại chủ quyền của Trung Quốc dưới mọi hình thức”.

Ông Tần Cương cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản để “giải quyết những hiểu lầm, loại bỏ những trở ngại, và giảm bớt gánh nặng trong quan hệ song phương của Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời phát triển thêm mối quan hệ giữa hai nước để có thể đáp ứng yêu cầu của thời đại mới”.

Trung Quốc và Nhật Bản đã thiết lập một đường dây nóng quân sự trực tiếp để ngăn chặn các cuộc đụng độ trên biển và trên không. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đường dây này sẽ được sử dụng để ứng phó với “những tình huống không lường trước được” và để “xây dựng lòng tin giữa hai nước”.

ĐCSTQ tuyên bố đặc khu tự trị Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, và đã đe dọa sẽ dùng vũ lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo này nếu cần thiết.

Vào ngày 8/4/2023, Bắc Kinh đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự kéo dài ba ngày xung quanh Đài Loan sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy ở California.

Kể cả sau khi ĐCSTQ tuyên bố kết thúc cuộc tập trận quân sự vào ngày 10/4/2023, không phận Đài Loan vẫn liên tục bị xâm phạm bởi máy báy Trung Quốc.

Quân đội Đài Loan tuyên bố rằng vào ngày 16/4/2023, họ đã phát hiện 18 máy bay và 4 tàu hải quân của Trung Quốc gần hòn đảo, trong đó có 4 máy bay đã xâm nhập vào phía Tây Nam và Đông Nam của không phận của Đài Loan.

Hoa Kỳ đã điều động tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Milius đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 16/4/2023, chỉ vài ngày sau khi quân đội Trung Quốc tổ chức tập trận và mô phỏng các cuộc tấn công chính xác nhằm vào Đài Loan.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản phô diễn sức mạnh trên biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để cảnh cáo Trung Quốc