Phái đoàn Châu Phi làm trung gian hoà giải cho xung đột ở Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay khi cuộc phản công của Ukraine gặt hái được những trái ngọt đầu tiên, các phái đoàn lãnh đạo từ Nam Phi, Ai Cập và các quốc gia châu Phi khác đã bay tới châu Âu để hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Putin, với hy vọng làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột giữa hai nước.

Chiến tranh Nga - Ukraine đã làm gián đoạn các hoạt động buôn bán ngũ cốc và nguồn cung cấp lương thực của châu Phi, đồng thời gây nguy hiểm cho Sáng kiến ​​Ngũ cốc ở Biển Đen.

Lãnh đạo châu Phi làm trung gian hòa giải cho xung đột Nga - Ukraine

Tờ Reuters đưa tin, ngày 16/6, một phái đoàn châu Phi bao gồm lãnh đạo các nước Nam Phi, Ai Cập, Senegal và Comoros đã tới thủ đô Kyiv của Ukraine để làm trung gian hòa giải giữa hai bên trong cuộc chiến Nga - Ukraine. Ít nhất hai tiếng nổ và còi báo động không kích đã vang lên ở Kyiv khi một phái đoàn các nhà lãnh đạo châu Phi đặt chân đến Ukraine.

Hiện chưa rõ lực lượng Nga hay lực lượng phòng không Ukraine đã phóng các tên lửa này.

Sau khi kết thúc chuyến thăm Kyiv, phái đoàn châu Phi sẽ bay tới thành phố St. Petersburg (Nga) để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước đó, tờ Reuters đưa tin, một phái đoàn thúc đẩy hòa bình giữa Ukraine và Nga gồm các nhà lãnh đạo châu Phi, trong đó có Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Tổng thống Senegal Macky Sall, sẽ đề xuất một thỏa thuận trong quá trình hòa giải ban đầu.

Mục đích của chuyến đi của phái đoàn này là để "thúc đẩy tầm quan trọng của hòa bình và khuyến khích tất cả các bên chấp nhận một quá trình đàm phán do ngoại giao dẫn dắt".

Reuters cho biết các biện pháp xây dựng lòng tin trong nỗ lực làm trung gian hòa giải của phái đoàn châu Phi bao gồm: Nga rút quân, rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus, đình chỉ lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế đối với ông Putin và dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga. Sau đó, cả Nga và Ukraine có thể thể đi đến một thỏa thuận ngừng hành động quân sự. Đồng thời, cũng cần phải có các cuộc đàm phán giữa Nga và các nước phương Tây.

Chuyến đi của các nhà lãnh đạo châu Phi với vai trò trung gian hòa giải đã được khởi động ngay sau khi cuộc phản công của Ukraine bắt đầu.

Giới chức Kyiv tuyên bố rằng cơ sở của thỏa thuận hòa bình của Ukraine là việc quân đội Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine.

Chiến tranh Nga - Ukraine gây nguy hiểm cho nguồn cung lương thực của châu Phi

Hôm thứ Ba (13/6), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga đang cân nhắc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen vì phương Tây đã 'lừa dối' Moscow khi không thực hiện bất kỳ cam kết nào nhằm đưa hàng nông sản của Nga ra thị trường toàn cầu.

"Chúng tôi đang cân nhắc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc này ngay bây giờ", ông Putin nói trong một cuộc họp với các phóng viên chiến trường Nga và các blogger quân sự.

"Thật không may, chúng tôi lại một lần nữa bị lừa - không có gì được thực hiện để tự do hóa việc cung cấp ngũ cốc của chúng tôi cho thị trường nước ngoài. Có rất nhiều điều kiện mà người phương Tây phải thực hiện dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc".

"Tuy nhiên, vẫn chưa có gì được thực hiện", ông Putin nói thêm.

Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen đã giúp vận chuyển hơn 30 triệu tấn ngũ cốc từ Ukraine, hơn một nửa trong số đó đến các nước đang phát triển. Trung Quốc, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước hưởng lợi chính. Nga nói rằng điều này cho thấy thực phẩm sẽ không đến được với các nước nghèo hơn như trong thỏa thuận.

Tại cuộc họp báo ở Điện Kremlin, một blogger quân sự nổi tiếng của Nga đã đặt câu hỏi: Những người lính nơi tiền tuyến của Nga không hiểu tại sao Moscow lại tham gia thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen?

Nhà lãnh đạo Nga đáp rằng: "Nga không làm điều này cho Ukraine, mà vì các nước thân thiện ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, bởi vì lương thực nên được chuyển đến các nước nghèo nhất trên thế giới trước tiên”.

Kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ, các nước phương Tây đã kêu gọi châu Phi lên án hành vi gây chiến của Moscow, song các chính phủ châu Phi phần lớn vẫn giữ thái độ trung lập.

Chiến tranh Nga - Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động buôn bán ngũ cốc và cung cấp lương thực của các nước châu Phi, dẫn đến giá lương thực tăng vọt và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi.

Theo các nguồn tin tổng hợp từ truyền thông châu Âu và Mỹ, sau khi Chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ vào năm 2022, Liên Hợp Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã đạt được thỏa thuận về lương thực Biển Đen. Thỏa thuận này cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác ra khắp thế giới thông qua "Hành lang nhân đạo hàng hải" trên Biển Đen.

Vào tháng 7/2022, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đã làm trung gian cho một thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc mang tính đột phá với Nga và Ukraine. Thỏa thuận này cho phép Ukraine tiếp tục vận chuyển ngũ cốc bằng đường biển, đồng thời nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mà Liên Hợp Quốc cho rằng đã trở nên tồi tệ hơn bởi cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

Theo thông tin trên trang web chính thức của Liên Hợp Quốc, số liệu thống kê từ Trung tâm điều phối chung về Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cho hay, tính đến ngày 17/11/2022, Ukraine đã xuất khẩu 11,1 triệu tấn ngũ cốc và 5 điểm đến hàng đầu là Tây Ban Nha ( 2 triệu tấn) và Thổ Nhĩ Kỳ (1,5 triệu tấn), Trung Quốc (1,3 triệu tấn), Ý (1 triệu tấn) và Hà Lan (760.000 tấn).

Hãng tin BBC của Anh đưa tin, trước khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, các nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất của Ukraine là Ai Cập, Indonesia và Bangladesh.

Vào tháng 9/2022, Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng chưa đến 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine được chuyển đến các nước có thu nhập thấp và 44% lượng ngũ cốc được đưa vào thị trường các nước có thu nhập cao.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Phái đoàn Châu Phi làm trung gian hoà giải cho xung đột ở Ukraine