Quốc gia nào sở hữu lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức Danh mục thế giới về tàu chiến hiện đại (WDMMW) gần đây công bố danh sách 25 nước, vùng lãnh thổ có lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới năm 2023, trong đó Mỹ, Trung Quốc và Nga lọt top 3.

WDMMW xếp hạng hải quân các nước theo các tiêu chí số tàu chiến và tàu ngầm, độ tuổi của hạm đội, khả năng hậu cần, khả năng tấn công và phòng thủ.

WDMMW cũng phân tích khả năng đóng tàu, tuổi thọ trung bình và kinh nghiệm chiến đấu quân sự, bên cạnh số lượng tàu chiến và tàu ngầm của mỗi quốc gia.

Dưới đây là top 10 hải quân mạnh nhất thế giới.

Hạng 1: Mỹ

Hải quân Mỹ được coi là lực lượng hùng mạnh nhất thế giới. Tính đến tháng 11/2022, Hải quân Hoa Kỳ có 243 tàu đang hoạt động, bao gồm:

  • 11 tàu sân bay
  • 68 tàu ngầm
  • 22 tàu tuần dương
  • 70 tàu khu trục
  • 21 tàu hộ vệ
  • 8 tàu thủy lôi/chống thủy lôi
  • 10 tàu tuần tra gần bờ
  • 33 tàu tấn công đổ bộ
  • không có tàu tuần tra.

Hiện Mỹ đã đặt mua 67 tàu mới để đối phó với đối thủ toàn cầu Trung Quốc.

Tuổi thọ trung bình của các tàu Hải quân Hoa Kỳ là 23,3 năm và cán cân lực lượng quân sự ở mức "tốt".

Hạng 2: Trung Quốc

Tính đến tháng 8 năm nay, Hải quân Trung Quốc có hạm đội lớn nhất thế giới với 425 tàu đang hoạt động, trong đó có:

  • 3 tàu sân bay
  • 72 tàu ngầm
  • không có tàu tuần dương
  • 48 tàu khu trục
  • 71 tàu hộ vệ
  • 44 tàu tuần tra
  • 49 tàu chống thủy lôi/tàu chiến
  • 127 tàu tuần tra gần bờ
  • 11 tàu tấn công đổ bộ.

Tuổi trung bình của các tàu hải quân Trung Quốc là 13,8 năm, ít hơn nhiều so với Mỹ, mặc dù số lượng tàu mới được đặt hàng rất ít, cán cân lực lượng quân sự ở mức "tốt".

Hạng 3: Nga

Tính đến tháng 3 năm nay, Hải quân Nga có 265 tàu, bao gồm:

  • tàu ​​sân bay duy nhất "Đô đốc Kuznetsov"
  • 58 tàu ngầm
  • 12 tàu khu trục
  • 4 tàu tuần dương
  • 1 tàu sân bay tuần tra
  • 83 tàu hộ vệ
  • 28 tàu thủy lôi/chống thủy lôi
  • 27 tàu tuần tra gần bờ
  • 21 tàu tấn công đổ bộ.

Tuy nhiên, WDMMW cho rằng nhiều tàu Nga có vẻ đã già đi. Giờ đây, Nga đang hiện đại hóa lực lượng hải quân của mình bằng cách đặt mua 82 tàu khu trục nhỏ, tàu ngầm và thủy lôi/chống thủy lôi. Trong Chiến tranh Nga - Ukraine, ngoại trừ việc tàu tuần dương "Moscow" - soái hạm của Hạm đội Biển Đen bị phá hủy, hạm đội hải quân Nga về cơ bản còn nguyên vẹn.

Tuổi thọ trung bình của các tàu hải quân Nga là 30 năm và cán cân lực lượng quân sự ở mức "tốt".

Hạng 4: Indonesia

Tính đến tháng 7 năm nay, Hải quân Indonesia có 243 tàu, trong đó có:

  • 4 tàu ngầm
  • 7 tàu tuần tra
  • 25 tàu hộ vệ
  • 9 tàu thủy lôi/chống thủy lôi
  • 168 tàu tuần tra gần bờ
  • 30 tàu tấn công đổ bộ
  • không có tàu sân bay, tàu tuần dương hay tàu khu trục.

Độ tuổi trung bình của các tàu Hải quân Indonesia là 21,8 năm và cán cân lực lượng quân sự ở mức "trung bình".

Hạng 5: Hàn Quốc

Tính đến tháng 5 năm nay, Hải quân Hàn Quốc có 138 tàu, trong đó:

  • 18 tàu ngầm
  • 12 tàu khu trục
  • 12 tàu tuần tra
  • 11 tàu hộ vệ
  • 11 tàu thủy lôi/chống thủy lôi
  • 64 tàu tuần tra gần bờ
  • 10 tàu tấn công đổ bộ
  • không có tàu sân bay hay tàu tuần dương.

Tuổi thọ trung bình của các tàu Hải quân Hàn Quốc là 22,4 năm và đây là "lực lượng hải quân có sức mạnh chiến đấu cân bằng".

Hạng 6: Nhật Bản

Tính đến tháng 11/2022, Hải quân Nhật Bản có 102 tàu, bao gồm:

  • 4 tàu sân bay trực thăng
  • 22 tàu ngầm
  • 22 tàu khu trục
  • 3 tàu tuần tra
  • 22 tàu thủy lôi/chống thủy lôi
  • 6 tàu tuần tra gần bờ
  • 3 tàu tấn công đổ bộ
  • không có tàu sân bay, tàu tuần dương và tàu hộ vệ.

Theo đánh giá của WDMMW, Nhật Bản có lực lượng hải quân hiện đại hơn nhiều nước trong top đầu, với tuổi thọ trung bình của hạm đội là 14,8 năm và cán cân lực lượng quân sự ở mức "trung bình”.

Hạng 7: Ấn Độ

Tính đến tháng 1 năm nay, Hải quân Ấn Độ có 102 tàu, trong đó:

  • 1 tàu sân bay
  • 17 tàu ngầm
  • 1 tàu khu trục
  • 13 tàu hộ vệ
  • 23 tàu hộ vệ hạng nhẹ
  • 29 tàu tuần tra gần bờ
  • 9 tàu tấn công đổ bộ.

Hải quân Ấn Độ không có tàu thủy lôi/chống thủy lôi hay tàu tuần dương, và với tuổi đời trung bình là 20,1 năm, cán cân lực lượng quân sự ở mức "trung bình".

Hạng 8: Pháp

Hải quân Pháp sở hữu một lực lượng "hải quân đa chức năng hiện đại bao gồm lực lượng không quân, tàu chiến mặt nước và tàu ngầm", với:

  • 1 tàu sân bay "Charles de Gaulle"
  • 9 tàu ngầm
  • 14 tàu tuần tra gần bờ
  • 3 tàu tấn công đổ bộ
  • 17 tàu tàu thủy lôi/chống thủy lôi
  • 21 tàu khu trục.

Hải quân Pháp không có tàu tuần tra, tàu tuần dương hay tàu hộ vệ và với tuổi đời trung bình là 23 năm, cán cân lực lượng quân sự ở mức "trung bình".

Hạng 9: Vương quốc Anh

Hải quân Anh hiện sở hữu:

  • 2 tàu sân bay
  • 10 tàu ngầm
  • 6 tàu khu trục
  • 12 tàu hộ vệ
  • 11 tàu thủy lôi/chống thủy lôi
  • 6 tàu tuần tra gần bờ
  • 2 tàu tấn công đổ bộ
  • 3 tàu đã được đặt hàng
  • không có tàu tuần tra hoặc tàu tuần dương.

WDMMW nhận định Hải quân Anh "coi trọng các tàu chiến có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ, và các tàu chiến này chiếm khoảng 25% lực lượng, kế đến là tàu chiến/chống thủy lôi, rồi đến tàu ngầm".

Tuổi trung bình của các tàu hải quân Anh là 17,7 năm, thấp hơn nhiều so với tuổi trung bình của một số hạm đội hùng mạnh nhất thế giới; cán cân lực lượng quân sự ở mức "trung bình”.

Hạng 10: Thổ Nhĩ Kỳ

Vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng, vì nước này kiểm soát cửa khẩu biên giới giữa Địa Trung Hải và Biển Đen, một nút giao thông hàng hải quan trọng.

Tính đến tháng 4/2023, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có tổng số 90 tàu, bao gồm::

  • 1 tàu sân bay trực thăng
  • 12 tàu ngầm
  • 16 tàu khu trục nhỏ
  • 10 tàu hộ tống
  • 11 tàu rà phá bom mìn
  • 35 tàu tuần tra xa bờ
  • 5 tàu tấn công đổ bộ.

Dù là thành viên của liên minh quân sự NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ thiếu tàu khu trục và tàu tuần dương.

Hạm đội của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có tuổi đời trung bình là 18,8 và cán cân lực lượng quân sự ở mức "trung bình".

Theo Visiontimes

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Quốc gia nào sở hữu lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới?