Ông Trump: Mỹ đang truyền tải sai thông điệp đến Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu Tổng thống Trump hôm Chủ nhật (9/10) cho biết Mỹ đang truyền tải sai thông điệp đến Nga sau khi Tổng thống Biden tuần này tuyên bố về nguy cơ 'ngày tận thế', trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa chiến tranh hạt nhân.

Ông Trump cho biết Mỹ nên thúc giục Nga và Ukraine đàm phán vì hòa bình, đồng thời cảnh báo xung đột có thể tiến tới “Thế chiến III” nếu các bên không có cách tiếp cận cẩn thận hơn, tờ The Hill đưa tin.

“Chúng ta phải rất thông minh và nhanh nhẹn. Chúng ta phải biết mình cần nói gì, làm gì. Và chúng ta đang truyền tải sai thông điệp. Chúng ta sẽ kết thúc bằng Thế chiến III”, ông Trump phát biểu tại một sự kiện ở Mesa, Arizona, để ủng hộ ứng cử viên thống đốc bang Arizona Kari Lake và ứng cử viên thượng viện Arizona Blake Masters hôm 9/10.

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm (6/10) cảnh báo về nguy cơ hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, trong bối cảnh các quan chức Nga nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sau khi hứng chịu những thất bại lớn trên chiến trường Ukraine.

Theo hãng tin AP, ông Biden đã phát biểu tại một buổi gây quỹ riêng của đảng Dân chủ rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin là "một người mà tôi biết khá rõ" và nhà lãnh đạo Nga "không đùa khi đề cập đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí sinh học".

Ông Biden nói thêm rằng: "Chúng ta đã không phải đối mặt với viễn cảnh của Armageddon (thuật ngữ chỉ ngày tận thế) kể từ thời ông Kennedy và Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba". Ông cho biết thêm rằng mối đe dọa từ ông Putin là có thật "bởi vì quân đội của ông ấy đang hoạt động kém hiệu quả".

Ông Trump hôm 9/10 cho biết, nguy cơ về một cuộc chiến tranh thế giới đang cận kề.

“Chúng ta phải yêu cầu đàm phán ngay lập tức về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine một cách hòa bình, bằng không chúng ta sẽ kết thúc trong Thế chiến III”, ông nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 4/10 đã ban hành sắc lệnh chặn khả năng đàm phán với ông Putin. Sắc lệnh xác nhận "không thể tổ chức các cuộc đàm phán với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin", theo trang web của Tổng thống Ukraine.

Động thái này được đưa ra nhằm đáp trả nỗ lực thôn tính của ông Putin hôm 30/9, trong việc tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ bị chiếm đóng một phần của Ukraine là Kherson, Zaporizhzhia và Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk, đài CNN đưa tin.

Nhiều chuyên gia an ninh và cựu quan chức quân sự đồng ý với đánh giá của ông Biden rằng các mối đe dọa hạt nhân của ông Putin cần được xem xét nghiêm túc. Tuy nhiên bình luận của ông Biden đã khuấy động cuộc tranh luận về việc liệu Nhà Trắng có nên đưa ra những cảnh báo thảm khốc như vậy hay không.

Các quan chức Mỹ cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ không thay đổi vị thế hạt nhân của mình.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh vị thế hạt nhân chiến lược của riêng mình, cũng như không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân ngay lập tức”.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia của Nhà Trắng, John Kirby hôm 9/10 cho biết Tổng thống Biden đã “phản ánh chính xác thực tế là hiện tại nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang ở mức rất cao”.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong khi đó chỉ trích ông Biden "thiếu thận trọng".

“Khi quý vị nghe Tổng thống nói về 'Armageddon' tựa như một suy nghĩ ngẫu nhiên tại một buổi gây quỹ, đó chính là một rủi ro khủng khiếp đối với người dân Mỹ", ông Pompeo nói.

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo về một phản ứng "quyết liệt" và "hậu quả thảm khốc" đối với Nga nếu Moscow chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân.

Lời kêu gọi của ông Trump về hòa bình được tỷ phú Elon Musk đăng trên Twitter trong tuần này. Người sáng lập Space X đã "hiến kế" giải quyết xung đột Nga-Ukraine bằng cách đề nghị Ukraine nhượng lại một phần lãnh thổ mà Nga chiếm đóng, đồng ý tổ chức bầu cử ở các lãnh thổ khác và đồng ý không bao giờ gia nhập NATO để đổi lấy việc chấm dứt hành động xâm lược của Nga.

Các nhà lãnh đạo Ukraine đã nhanh chóng bác bỏ đề xuất này và tuyên bố sẽ không nhượng một tấc lãnh thổ nào cho Nga.

Ông Biden cho biết chính quyền của ông sẽ tìm cách tăng cường sức mạnh của Kyiv trên bàn đàm phán bằng cách cung cấp vũ khí cho quân đội nước này.

Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" Ukraine ngày 24/2. Đã bảy tháng trôi qua, song xung đột đến nay chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nga được cho là vẫn đang trong giai đoạn theo đuổi mục tiêu "giải phóng" toàn bộ vùng Donbass.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 4/10 ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Putin và tuyên bố sẵn sàng đàm phán với một "Tổng thống khác của Nga".

Moscow và Kyiv đã không ngồi vào bàn đàm phán kể từ khi các cuộc đàm phán ở Istanbul kết thúc vào cuối tháng Ba. Phía Nga, ban đầu bày tỏ sự lạc quan về tiến trình hòa bình, sau đó cáo buộc Ukraine đã quay lưng lại với tất cả những tiến bộ đạt được ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng họ đã mất lòng tin vào các nhà đàm phán của Kyiv.

Trả lời phỏng vấn hồi tháng trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: "Không ai từ chối lựa chọn đàm phán, mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng đàm phán, nhưng vị trí của bạn trên bàn đàm phán mới là vấn đề quan trọng. Ngày nay, các cuộc đàm phán với Nga đang được tiến hành trên chiến trường".

Ông nhấn mạnh: "Tuy vậy, chúng tôi sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán khi khôi phục hoàn toàn toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi đang nói rõ điều này với tất cả các đối tác, họ cũng không loại trừ khả năng đàm phán".

Nga phát động chiến dịch quân sự ngày 24/2 nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa" nước láng giềng. Tuy nhiên, cùng với những thất bại trên chiến trường, Nga gần đây đã ra lệnh điều động một phần lực lượng và tiến hành trưng cầu dân ý bốn tỉnh của Ukraine vào Nga. Động thái này đã khiến Nga rơi vào bế tắc, khi vấp phải phản đối từ trong nước vì lệnh điều động một phần và hứng chịu các đòn trừng phạt từ nước ngoài.

Cả Moscow và Kyiv đều đổ lỗi cho nhau khi tiến trình đàm phán giữa hai nước đình trệ từ cuối tháng 3.

Các động thái leo thang căng thẳng gần đây từ cả hai phía khiến nhiều người lo ngại có thể bùng phát thành những xung đột lớn hơn, thậm chí có khả năng sử dụng cả vũ khí hạt nhân như những cảnh báo từ ông chủ Điện Kremlin.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Ông Trump: Mỹ đang truyền tải sai thông điệp đến Nga