Câu chuyện truyền kỳ về người phụ nữ châu Á trong ngành may mặc ở New York (1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Vào những năm 1980, cô gái trẻ Thượng Hải chân ướt chân ráo đến “đô thành thế giới” New York chỉ với 50 đô-la trong tay. Cô chật vật mưu sinh, bắt đầu học tiếng Anh, làm thêm trong công xưởng và nhà hàng, không ngừng học hỏi, không ngừng học hỏi, cuối cùng trở thành nhân vật đỉnh cao trong ngành may mặc ở New York.

Từ một du học sinh nghèo không dám phung phí 6 hào 5 xu, cô dần dần trở thành cổ đông lớn của một công ty trị giá hàng triệu đô, từng giữ chức phó chủ tịch Adrianna Papell Group. Nỗ lực thực hiện giấc mơ Mỹ của cô đã viết nên huyền thoại giữa đời thường.

Cậu chuyện ấy đã diễn ra như thế nào? Chúng ta hãy lắng nghe tâm sự của người trong cuộc.

Đến New York với 50 đô-la, bắt đầu giấc mơ Mỹ

Tôi tên là Chu Dương Lily, hiện đang sinh sống tại Mỹ và đã có nhiều năm làm việc trong tập đoàn phục trang Adrianna Papell, chuyên môn cung cấp sản phẩm may mặc cho các công ty bách hóa lớn của Hoa Kỳ.

Khi mới đến Mỹ làm một du học sinh, trong túi tôi chỉ có 50 đô-la, một khoản tiền vô cùng ít ỏi. Có những lúc trong tay tôi chỉ có vài đồng lẻ, tôi phải cân nhắc lựa chọn giữa đi tàu điện ngầm hay là ăn một chiếc bánh mì kẹp xúc xích. Nhớ lại quãng thời gian ấy, tôi đã phải tự lực cánh sinh, một mình vật lộn trên con đường mưu sinh.

Đầu tiên, tôi vào làm trong một xưởng may ở khu phố Tàu. Sau hơn ba tuần tôi nhận thấy công việc này không còn phù hợp. Vì lúc đó đã là tháng 12, trong khi trường học bắt đầu vào cuối tháng 1, tôi không thể tiếp tục làm việc ở đó sau khi khai giảng. Trong lúc cấp bách tôi đã nhận một công việc làm thêm trong nhà hàng, ban ngày tôi lên lớp còn tối về thì làm việc. Nhớ lại, quãng thời gian ấy thật vô cùng khổ cực.

Lily trong chương trình “Thì thầm cuộc sống” (Ảnh: NTD)

Sau khi tốt nghiệp, tôi chính thức vào làm tại một công ty khá lớn tên là R&K Original. Lúc ấy tôi là một “tân binh” rất chăm chỉ, ngày nào cũng ngồi làm một mạch đến hơn 8 giờ tối mới về nhà, mỗi ngày tôi đều làm việc hơn 10 tiếng như thế. Mọi người đều về nhà sau 6 giờ chiều, nhưng tôi vẫn còn rất nhiều việc, hơn nữa tôi còn muốn trau dồi học hỏi nên không về ngay mà cứ ở lại làm tiếp, và chỉ trong một thời gian ngắn tôi đã học được rất nhiều điều.

Ông chủ rất coi trọng và yêu mến tôi, dù tôi mới chỉ làm việc được khoảng 6 tháng nhưng ông ấy đã dẫn tôi đi cùng trong mỗi chuyến công tác. Bởi vì ông làm may mặc ở Đài Loan và Hồng Kông, mà trong công ty chỉ duy nhất tôi là có thể nói tiếng Trung. Tôi biết, ông có ý tốt muốn tạo cơ hội cho tôi được dần dần luyện tập thành thục hơn.

Mẹ tôi là nhà thiết kế phục trang, từ nhỏ tôi đã khá nhạy cảm với màu sắc và các chất liệu vải. Đó cũng là lợi thế giúp tôi phát huy năng lực của mình tại R&K Original cũng như những công ty sau này mà tôi làm việc. Mặc dù chức danh của tôi là chuyên về sản xuất, nhưng công việc thực tế của tôi lại liên quan khá nhiều đến thiết kế thời trang và chọn lựa vải, tôi có thể vận dụng chuyên môn và sở trường của mình tại rất nhiều phòng ban và bộ phận khác nhau.

Sau nhiều năm làm việc tôi dần dần tích lũy kinh nghiệm, dần dần làm đến cấp bậc giám đốc. Đầu những năm 1990 tôi chuyển đến Adrianna Papell và làm được khá tốt. Sau 2 năm làm việc ở đó, có người mời tôi về làm việc cho Phillips Van Heusen, một tập đoàn có thể nói là rất lớn tại Hoa Kỳ. Tôi đã làm việc cho Izod - công ty con trực thuộc Phillips Van Heusen, chuyên về phát triển trang phục cho nữ giới.

Mức lương của tôi tại Phillips Van Heusen rất lớn, cao hơn 30% so với mức lương của tôi ở Adrianna Papell. Thông thường những người đã đạt đến mức này đều đã làm đến giám đốc, ở vị trí này họ đã không còn ý định nhảy việc. Vị trí này vốn đã rất cao rồi, thông thường họ đều sẽ làm đến khi về hưu, không có ai rời đi. Lúc đó tôi cảm thấy bản thân thật là cao sang, mỗi chuyến công tác đều ngồi khoang hạng nhất, muốn gì có nấy, chỉ cần ký tên là được...

(Ảnh: NTD)

Tôi đã có một vị trí danh giá ở Phillips Van Heusen. Một ngày, ông chủ cũ của tôi ở Adrianna Papell gọi điện thoại cho tôi trong tâm trạng vô cùng buồn bã. Ông nói rằng sau khi tôi nghỉ việc, công ty hoạt động không tốt, vậy nên ông mong tôi sẽ trở lại. Ông nói: “Cô có thể đi tìm bất cứ công ty lớn nào, công ty lớn hơn nữa cô đều có thể tìm. Tôi biết cô có năng lực, nhưng tôi mong Lily của tôi quay về”.

Nghe ông nói tôi đã trào nước mắt, tôi đáp: “Được, tôi sẽ suy nghĩ, tôi sẽ nghĩ ra cách”.

Quyết định từ chức của tôi là một trận phong ba với Phillips Van Heusen. Tại công ty này, những ai đã thăng lên chức vị ấy đều không từ chức, do đó việc tôi rời đi đã trở thành một tin động trời.

Tôi quay lại Adrianna Papell, công ty quả thực làm ăn sa sút, thua lỗ nặng nề, tôi đã phải làm việc gian khổ để vực dậy mọi thứ. Tôi tinh giảm tất cả những phòng trưng bày mẫu áo, bắt đầu chỉnh đốn cả bên trong lẫn bên ngoài công ty, dần dần tình hình cũng khởi sắc trở lại. Chúng tôi cũng từng bước lấy lại được những địa điểm sản xuất trước kia ở Hàn Quốc, sau đó chúng tôi mở rộng sang đại lục và phát triển tiếp đến Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia cũng như Đài Loan và Hồng Kông.

Trước tiên chúng tôi bắt đầu ở Thâm Quyến, bởi vì Thâm Quyến trao đổi thông thương khá nhiều với Hồng Kông, sau này chúng tôi mới mở rộng sang Thượng Hải, sau đó đi lên các thành phố ở phía bắc Trung Quốc và khai mở sang Ấn Độ. Sau nhiều năm cố gắng, công ty chúng tôi đã khởi sắc hơn, dùng lời của ông chủ thì tôi chính là “vũ khí bí mật” của ông ấy.

Một ngày, ông chủ đến tìm tôi và nói: “Cô đã tận tụy với công ty nhiều năm như thế, tôi cảm thấy cô cũng nên nắm giữ cổ phần”.

Ông đưa ra mức giá hơn 730, theo cách nói của người Mỹ thì “730” nghĩa là 730.000 đô-la. Tôi nhìn ông và đáp: “Tôi không có nhiều tiền như thế”.

Ông vui vẻ nói: “730 đô-la chứ không phải 730.000 đô-la, đó là phí luật sư của cô”.

Lúc ấy tôi rơi nước mắt. Ông chính là kiểu người như vậy. Ông rất thông minh, rất biết dùng người, rất giỏi kinh doanh, mọi việc tiêu thụ cũng một tay ông cáng đáng, do đó các công ty lớn như Lord & Taylor, Macy’s, và Nordstrom đều yêu mến ông. Vị chủ tịch của Neiman Marcus khi ấy cũng là bạn thân của ông, là người rất có năng lực. Xã hội Mỹ chính là như thế, bạn đổ bao nhiêu mồ hôi thì sẽ có được bấy nhiêu quả ngọt.

Yêu nhau trong gian khó, hạnh phúc chẳng dài lâu

Tôi và chồng tôi là đôi bạn thanh mai trúc mã, từ nhỏ đã lớn lên bên nhau, cùng chơi cùng đùa, hồn nhiên vô tư lự. Anh xuất thân trong gia đình danh giá, và điều thú vị là Tống Mỹ Linh đã từng làm phù dâu trong lễ kết hôn của ông bà chồng tôi.

Còn tôi cũng sinh ra trong một gia đình phú quý, ông nội tôi mở bệnh viện ở Thượng Hải, ông ngoại mở xưởng dệt lụa. Khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, cha mẹ tôi bị bắt nhốt vào chuồng bò, gia sản cũng bị cướp sạch không còn gì.

Sau này anh sang Mỹ trước, còn tôi đến sau. Chúng tôi đã từng bên nhau trong gian khó, từng yêu thương và bao bọc lẫn nhau. Về sự nghiệp, anh làm đồ chơi, còn tôi lại làm trang phục, chúng tôi mỗi người một lĩnh vực, ai cũng đạt được thành tựu của riêng mình.

Đầu năm 2000 khi chúng tôi có ý định xây nhà, anh nói với tôi rằng anh muốn về nước mở công xưởng. Mẹ chồng tôi lo lắng nói với tôi: “Chà, mẹ nghĩ tốt nhất nó không nên đi, hiện nay tình hình ở đại lục không tốt”.

Tôi an ủi: “Mẹ à, anh ấy là nam nhi đại trượng phu muốn gây dựng sự nghiệp, đáng lẽ con phải ủng hộ anh ấy mới phải”.

Vậy là anh đi. Thời gian anh ở đại lục càng lúc càng dài, càng lúc càng lâu hơn. Đứa con gái nhỏ của tôi thì thầm: “Bố ơi, sao bố mãi không về?”. Anh đã hứa trở về, nhưng cuối cùng lại trì hoãn mãi không về.

Lily đã từng có một gia đình hạnh phúc (Ảnh minh họa: NTD)

Một lần, anh nói anh sẽ về nhà một tháng, cả nhà đều mừng vui như tết. Nhưng mới được hơn hai tuần, con gái tôi bỗng hỏi: “Bố ơi, bố vẫn còn ở lại thêm hai tuần nữa phải không?”.

Anh đáp: “Ngày mai bố đi”. Con gái tôi òa khóc. Từ đó về sau, cháu không còn hỏi bao giờ bố đi nữa, con bé cảm thấy hễ hỏi như thế thì hôm sau bố sẽ bỏ nó mà đi.

Dì giúp việc nói với tôi: “Chồng cháu không ở nhà, người phụ nữ đó… cháu cần phải cẩn thận, cháu nên kiểm tra xem xem. Ở Trung Quốc cháu cũng có công ty mà, cháu hãy đi hỏi xem là chuyện gì”.

Mẹ chồng tôi cũng nói: “Đúng là con nên đi hỏi xem một chút”.

Tôi vâng lời: “Được thôi mẹ và dì, mọi người muốn con hỏi, con sẽ đi hỏi”.

Hôm ấy mẹ và dì đều ở trong bếp, tôi bước vào nói là đã hỏi rồi, không có chuyện gì cả! Dì giúp việc hỏi: “Sao cơ? Cháu đã hỏi ai?”.

Tôi nói: “Còn hỏi ai nữa ạ, đương nhiên là anh ấy rồi!”.

“Ôi chao!” - mặt cả hai người đều biến sắc.

Dì giúp việc mất bình tĩnh, vứt cả chiếc bát đang rửa trong tay. Dì nói: “Sao cháu ngốc thế, cháu làm kinh doanh lớn như thế, mà sao lại ngốc nghếch đến vậy? Ai lại đi hỏi đương sự cơ chứ?”.

Tôi nói: “Vậy cháu nên hỏi ai?”.

Dì đáp: “Sao cháu có thể hỏi anh ta? Làm sao anh ta có thể nói với cháu cơ chứ? Anh ta sẽ không nói đâu!”.

Tôi sững sờ: “Cháu phải hỏi ai đây?”.

Mẹ chồng cũng nói: “Chà, con có nhiều người quen ở Trung Quốc mà, con hỏi ai mà chả được”.

Sau này tôi vẫn phải hỏi chồng, nhưng anh luôn miệng phủ nhận: “Anh với em từ nhỏ là thanh mai trúc mã, em xem anh là người thế nào, anh có thể làm cái việc thất đức đó sao?”.

Tôi nghĩ: Đúng rồi, là mẹ và dì đa nghi đó thôi, chứ không có việc gì đáng lo cả.

Thoáng chốc đã mấy năm trôi qua, chồng tôi vẫn ở Trung Quốc, thời gian về nhà càng lúc càng thưa dần. Giáng sinh năm 2005, anh vừa về liền nói anh muốn định cư ở Trung Quốc để thuận tiện công việc. Tôi suy nghĩ một lát, chà, việc này quả là không ổn, phải chăng anh đã có người khác rồi? Với tôi gia đình là trên hết, tôi nói em sẽ đi cùng anh, em có thể sắp xếp lại mọi việc trong công ty, dù sao em cũng có chi nhánh ở Trung Quốc mà. Lúc ấy con gái lớn của chúng tôi sắp vào đại học, tôi chỉ có thể đưa con gái út về Trung Quốc. Nhưng anh vẫn cực lực phản đối.

Sau đó tôi từ bỏ ý định ấy là vì nền giáo dục ở Trung Quốc không tốt, trường học bên đó không thể so với ngôi trường mà con tôi đang theo học, tôi không thể vì bản thân mình mà ảnh hưởng đến cả cuộc đời con. Và như thế, hai vợ chồng tôi chính thức mỗi người một phương trời.

Cho dù sự nghiệp lừng lẫy đến đâu, thì trong nhà tôi vẫn là một người mẹ, một người vợ. Chuyện này đối với tôi thật sự rất khó chấp nhận.

Lúc ấy hai vợ chồng tôi đều có thành tựu trong sự nghiệp, nhưng mỗi người mỗi ngả. Mãi đến lúc này tôi mới ý thức rằng, cho dù có thiên tư thông dĩnh, có thể hô phong hoán vũ, là người phụ nữ mạnh mẽ trên thương trường, thì rốt cuộc tôi vẫn là nàng dâu phải phụ thuộc vào chồng.

“Ở nhà, tôi vẫn là một người mẹ, người vợ”. Ảnh: NTD)

Mặc dù vậy, tôi vẫn gắng hết sức bảo vệ gia đình, nhưng bảo vệ thế nào đây? Các con tôi vẫn còn nhỏ, chúng không thể thiếu bố. Tôi bèn gọi điện thoại cho chồng, rồi tôi nói với con gái nhỏ qua microphone: “Bố gọi điện về rồi, con nghe điện thoại đi”.

Con bé liền nói với chị gái nó: “Mẹ gọi điện thoại cho bố, rồi lại nói là bố gọi. Làm sao mà em không biết chứ, thực ra chẳng có cuộc gọi nào cả”.

Tôi đã nghĩ trăm phương ngàn kế để giữ gìn gia đình, để lũ trẻ có cảm giác bố vẫn nghĩ đến chúng. Nhưng cuối cùng tôi vẫn đành bất lực.

Tôi vẫn phải tiếp tục đến công ty, cả áp lực công việc và áp lực gia đình đè nặng lên vai tôi. Tôi bị hạ đường huyết, đau dạ dày, mỗi ngày từ sáng đến tối đều căng thẳng, đầu đau đến nỗi đổ mồ hôi lạnh, cả người toát mồ hôi khiến tôi phải liên tục thay áo. Tôi phải chuẩn bị sẵn quần áo và thuốc ở văn phòng, mỗi khi đau đầu tôi lại uống thuốc dạ dày trước rồi mới uống thuốc đau đầu. Cũng vì hạ đường huyết, lượng đường trong máu thấp, có lúc tôi ngất đi, thắt lưng đau như gãy. Trong công ty ai cũng biết tôi là cái lọ thuốc di động, cả ngày uống hết viên này đến viên khác.

Nhưng chính vào khoảng thời gian khó khăn nhất ấy, tôi có một giấc mơ vô cùng sống động…

Sức khỏe của Lily ngày càng sa sút(Ảnh: NTD)

Giấc mơ kỳ lạ

Trong giấc mộng, tôi thấy mình đang lái chiếc xe hơi mắc kẹt giữa bùn lầy, phía trước có một chiếc xe hơi khác, tôi bèn lái xe theo chiếc xe ấy. Sau đó tôi đột nhiên phát hiện trên băng ghế có hai người đàn ông lạ mặt nhưng tâm thái rất hòa ái thiện lương. Họ đặt tôi ngồi lên chiếc ghế dài, tôi ngồi đó cảm thấy ơn ớn lạnh. Một người trong số họ biết tôi đang nghĩ gì, bèn lấy chăn đắp cho tôi.

Khi tôi bắt đầu có cảm giác dễ chịu thì họ bất ngờ đẩy tôi lên với tốc độ không ngôn ngữ nào diễn tả được. Họ đẩy tôi nhanh đến mức khiến tôi sợ hãi toát mồ hôi, rồi tôi choàng tỉnh dậy. Tôi “ồ” lên một tiếng và tự nhủ: Mình cần phải đi gặp Judy!

Bà Judy là bậc thầy toán mệnh rất nổi tiếng ở Mỹ, mỗi lời bà nói ra đều vô cùng chuẩn xác, nhưng mỗi năm tôi chỉ có thể đi gặp bà một lần.

Tôi biết bà Judy bình thường rất đông khách, tôi nghĩ ra một cách: Tôi gọi điện hỏi bà có cuộc hẹn nào bị hủy không? Vừa hay có một cuộc hẹn bị hủy, tôi liền đi. Hôm ấy thái độ của Judy đối với tôi rất khác lạ, bà nhìn tôi từ trên xuống dưới, nhìn tôi giống như lần đầu tiên gặp mặt vậy. Chúng tôi quen biết nhau đã mười mấy năm rồi, tôi vốn là khách hàng lâu năm của bà.

Bà Judy nói: “Cô muốn đoán mộng phải không?”.

Tôi đáp: “Đúng vậy”, rồi bắt đầu kể về giấc mơ đêm trước. Bà liền xếp xuống từng lá bài, từng lá bài, tôi ngồi đối diện mà trong lòng sốt ruột. Bà vừa xếp bài vừa mỉm cười nói: “Có phải cô nghĩ là sắp ly hôn?”.

Tôi cứ nhìn chằm chằm vào bà, cuối cùng bà lên tiếng: “Tôi không thấy cô ly hôn, nhưng tôi biết rằng cô có chuyện cực tốt”.

Tôi hỏi: “Là chuyện tốt gì?”.

Bà Judy đáp: “Chà, chiếc ghế đó đẩy bạn đến một nơi tốt đẹp”.

Tôi lại hỏi: “Thật sao? Làm sao bà biết đó là nơi tốt? Tốc độ đó…”.

Bà Judy đáp: “Đúng vậy, đối với cuộc sống của cô thì đây là bước ngoặt trọng đại, cô đã bắt đầu sống một cuộc đời mới khác hẳn xưa kia”.

Rồi Judy ngẩng đầu nhìn tôi: “Sau này cô cũng không cần đến gặp tôi nữa”.

Tôi ngạc nhiên. Bà nói: “Đúng vậy, đó là chuyện cực tốt, là bước ngoặt trong cuộc đời của cô. Tôi chưa từng đoán sai bao giờ, phải không? Mọi đại sự của cô tôi đều đoán đúng cả, vậy nên cô hãy cứ tin tôi”.

Nói xong bà liền đứng dậy: “Thật vinh hạnh được quen biết cô, cô hãy tin tôi, tôi chưa hề nói sai bao giờ”, rồi tiễn tôi ra cửa. Trước khi rời đi bà còn ôm tôi thân mật, điều này thật kỳ lạ bởi vì trước giờ bà Judy chưa từng chạm vào người khác, những bậc thầy toán mệnh thường không động chạm vào khách hàng.

***

Bậc thầy toán mệnh Judy nói với Lily rằng cuộc đời cô sắp bước sang trang mới, vậy đó là đại sự gì? Và còn giấc mộng kỳ lạ về hai người đàn ông lạ mặt, liệu họ là ai? Họ có thực sự xuất hiện và đưa Lily đến “một nơi tốt đẹp” hay không? Câu chuyện ấy sẽ được tiết lộ trong phần tiếp theo, mời quý độc giả đón xem.

Xem tiếp Phần 2

Theo chia sẻ của Chu Dương Lily trong chương trình “Thì thầm cuộc sống” - NTDTV
Minh Tâm biên dịch



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện truyền kỳ về người phụ nữ châu Á trong ngành may mặc ở New York (1)