Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc nói Trung Quốc - Belarus có ‘mối quan hệ huynh đệ’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đang có chuyến thăm 3 ngày tới Belarus trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chìm trong khó khăn và căng thẳng với Hoa Kỳ vẫn chưa hạ nhiệt.

Ông Lý Thượng Phúc đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin sau khi ông đến Minsk vào ngày 16/8 theo giờ địa phương.

Trước đó một ngày, Tướng Lý đã có bài phát biểu tại Hội nghị Moscow về An ninh Quốc tế ở Kubinka, ngoại ô Moscow, Nga - nơi có sự tham dự của các quan chức quân sự cấp cao đến từ các quốc gia gồm Belarus, Việt Nam và Ảrập Xêút. Chuyến công du 6 ngày của ông Lý tới Nga và Belarus được các nhà phân tích nghi ngờ là nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những rắc rối trong nước.

Tướng Lý nói với người đồng cấp Belarus rằng mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Minsk đang "không ngừng được củng cố", "phát triển ổn định" và "tiến lên" trong những năm gần đây, theo hãng thông tấn nhà nước Belarus Bleta.

Giờ đây, "chúng ta có mối quan hệ huynh đệ thực sự", Tướng Lý nói.

Tiếp đó, ông cho biết thương mại song phương giữa hai nước đã tăng hơn 30% vào năm ngoái, đưa Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Belarus, Bleta đưa tin.

Cả Tướng Lý và hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đều không đề cập đến những lời phát biểu đó. Thông cáo của Bắc Kinh về cuộc họp chỉ nói ngắn gọn rằng hai bộ trưởng quốc phòng "đã trao đổi quan điểm về quan hệ quân sự giữa hai nước và tình hình an ninh quốc tế".

Mối quan hệ đối tác quốc phòng ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh và Minsk đã làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc có thể chuyển vũ khí cho Nga thông qua Belarus, từ đó hỗ trợ cuộc chiến của Moscow ở Ukraine. Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc đã bác bỏ suy đoán này.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết vào tháng 6 rằng, ông đã nhận được lời cam kết từ giới lãnh đạo Trung Quốc rằng họ "không và sẽ không cung cấp hỗ trợ sát thương cho Nga để Moscow sử dụng ở Ukraine".

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần khẳng định mối quan hệ đối tác "không giới hạn" mà họ tuyên bố lần đầu vào 3 tuần trước khi cuộc chiến Ukraine nổ ra.

Bắc Kinh đã từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt mà quốc tế áp đặt lên Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine, đồng thời luôn cho rằng các hành động tài chính quốc tế chống lại Nga là vô hiệu; do đó, Trung Quốc vẫn cung cấp cho Nga con đường làm ăn kinh tế có tính ‘sống còn’ tại các thị trường Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc nói Trung Quốc - Belarus có ‘mối quan hệ huynh đệ’
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng trong buổi tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm của họ tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, ngày 21/3/2023. (Ảnh: Pavel Byrkin/Sputnik/AFP qua Getty Images)

Minsk, trong chiều dài lịch sử, có mối quan hệ chặt chẽ với Moscow. Một phát ngôn viên của Điện Kremlin từng mô tả Belarus là “đồng minh số 1” của Nga.

Kể từ khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, hợp tác quân sự giữa Nga và Belarus phát triển vượt bậc. Mùa thu năm ngoái, Nga đã gửi binh lính và thiết bị quân sự tới Belarus theo hiệp ước Nhà nước Liên minh. Moscow thậm chí còn mạnh tay hơn nữa vào đầu năm nay khi tiết lộ kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus. Vào tháng 6, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko cho biết một số vũ khí hạt nhân của Nga đã được chuyển đến đất nước ông.

Cùng lúc đó, quan hệ hợp tác giữa Belarus và Trung Quốc cũng được thắt chặt. Ông Lukashenko đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng 3 và gặp gỡ nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Chuyến đi của Tướng Lý đánh dấu lần đầu tiên một bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đến thăm Belarus kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra.

Tướng Lý gặp Tổng thống Lukashenko

Vào thứ 5, Tướng Lý đã ngồi lại với ông Lukashenko - đồng minh thân cận của ông Putin.

Ông Lukashenko nói với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc rằng: “Trung Quốc và Belarus có chung ý tưởng chủ đạo về trật tự thế giới hiện tại và tương lai", theo Bleta. “Chúng ta, cùng với nhau, đã chứng minh điều này trong 3 thập kỷ qua".

Tướng Lý đáp lại bằng cách ca ngợi mối quan hệ song phương ngày càng sâu sắc, mà ông mô tả là "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện dưới mọi hoàn cảnh", theo bản tóm tắt cuộc họp do Tân Hoa Xã công bố.

Tướng Lý cũng kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Bắc Kinh và Minsk ở cấp độ quân sự.

Theo truyền thông Trung Quốc, chuyến công du của bộ trưởng quốc phòng nước này sẽ kéo dài đến thứ 7 và ông dự kiến sẽ đi thăm một số cơ sở của quân đội Belarus.

Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc nói Trung Quốc - Belarus có ‘mối quan hệ huynh đệ’
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khi họ tham dự lễ đón ở Hồ Yanqi, tại Diễn đàn Vành đai và Con đường, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/5/2017. (Ảnh: Roman Pilpey-Pool/Getty Images)

Rắc rối nội tại của Trung Quốc

Tại Nga, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã nhiều lần công kích Hoa Kỳ và nhắc lại lập trường của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quan hệ song phương với Bắc Kinh đã "vượt qua mức độ quan hệ chiến lược về mọi mặt, hơn cả việc chỉ trở thành đồng minh".

Tuy vậy, các nhà phân tích bên ngoài nói rằng việc Trung Quốc đưa ra những thông điệp như vậy dường như là muốn chuyển sự chú ý của dư luận khỏi những rắc rối thực sự ở quê nhà.

“Buổi ‘biểu diễn’ của hai vị bộ trưởng quốc phòng chủ yếu là dành cho khán giả trong nước của họ", ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun) - nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng của Đài Loan - nói với The Epoch Times vào hôm thứ 4.

Ông Tô cho biết Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong nước khi mà cuộc chiến ở Ukraine chưa thể kết thúc, đồng rúp hiện chạm mức thấp nhất trong gần 17 tháng. Ông nói thêm rằng điều làm phức tạp tình hình là mối quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và Moscow không ổn định như vẻ bề ngoài.

Xem thêm:

Trung Quốc đang phải đối mặt với "các vấn đề trong nước ngày càng phúc tạp, giống như những gì Tổng thống Biden mô tả là 'một quả bom hẹn giờ'", ông Tô nói.

Ông Tô cho biết lượng hàng mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đang giảm; tỷ trọng hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ giảm xuống 13% vào tháng 6 (thấp hơn nhiều so với mức 21% hồi năm 2017).

Mexico đã thay thế Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ, với tỷ trọng hàng của nước này nhập khẩu vào Mỹ chiếm hơn 15% trong tháng 6.

“Điều đó có nghĩa là vị thế công xưởng thế giới của Bắc Kinh đang dần bị thay thế”, ông Tô nói.

Nhưng thời điểm của việc này lại không thể tệ hơn đối với Bắc Kinh. Ông Tô chỉ ra rằng, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng vọt trong giới trẻ Trung Quốc. Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục là 21,3% vào tháng 6. Hôm thứ 3, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp đối với những người từ 16 đến 24 tuổi.

Ngoài ra, nhiều cuộc khủng hoảng hơn nữa đang nổ ra ở lĩnh vực bất động sản, ông Tô cho biết thêm. Sau sự sụp đổ của đại gia bất động sản Evergrande, một doanh nghiệp bất động sản khổng lồ khác là Country Garden hiện có nguy cơ vỡ nợ.

Xem thêm:

Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng

Chuyến công du Nga và Belarus của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Trung - Mỹ không thể hạ nhiệt vì nhiều lý do - từ hoạt động gián điệp kinh tế cho đến các hành động quân sự hung hăng của Bắc Kinh nhằm vào Đài Loan. Mâu thuẫn giữa Washington và Bắc Kinh được đẩy lên cao từ vụ việc một khinh khí cầu do thám Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Hoa Kỳ trong vài ngày trước khi bị bắn hạ.

Tướng Lý cho đến nay vẫn từ chối ngồi lại với người đồng cấp Hoa Kỳ Lloyd Austin. Trao đổi giữa hai bên ở cấp độ quân sự đã dừng lại kể từ khi chính quyền Trung Quốc hạn chế hợp tác song phương trong lĩnh vực quân sự và 7 lĩnh vực quan trọng khác vào tháng 8 năm ngoái để trả đũa chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi.

Vào đầu tháng này, 11 tàu Trung Quốc và Nga đã tiến đến gần bờ biển Alaska trong một hoạt động hải quân chung mà các quan chức Mỹ mô tả là "chưa từng có". Hoa Kỳ đã huy động 4 tàu khu trục để đáp trả. Thượng nghị sĩ Dan Sullivan (Cộng hòa - Alaska) cho rằng, vụ việc "là một lời nhắc nhở nữa rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên độc tài hung hăng mới do các nhà độc tài ở Bắc Kinh và Moscow lãnh đạo”.

“Để giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước, Trung Quốc cần thị trường châu Âu và thị trường Mỹ", ông Tô nói. “Tuy nhiên, quan hệ đối tác Trung - Nga ngày càng sâu sắc sẽ khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trở nên tồi tệ hơn", ông nói thêm. “Tôi cho rằng các chính sách đối ngoại của ĐCSTQ đang mâu thuẫn nhau một cách khó hiểu".

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc nói Trung Quốc - Belarus có ‘mối quan hệ huynh đệ’