Người Trung Quốc ở Israel ngày càng thất vọng vì Bắc Kinh không có kế hoạch sơ tán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh đang diễn ra xung đột Israel - Hamas, công dân Trung Quốc cư trú tại Israel không nhận được thông báo sơ tán từ Đại sứ quán Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người phải trông cậy vào chính phủ Israel vì sự an toàn của họ hơn là đặt niềm tin vào Bắc Kinh. Thông tin này được một công dân Trung Quốc làm việc tại Israel chia sẻ trong cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times.

Ông Lưu Vỹ (Liu Wei), người lấy bí danh vì lo ngại bị trả đũa, đã sống ở Beersheba, thành phố lớn nhất Israel trên sa mạc Negev, trong sáu năm qua. Ông Lưu nói với The Epoch Times hôm 18/10 rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiếu sự giúp đỡ đối với người dân của mình có thể khiến nhiều người Trung Quốc ở Israel mất niềm tin vào họ.

Trung Quốc không có kế hoạch di tản

“Tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ thông tin liên lạc nào từ Đại sứ quán Trung Quốc. Theo như tôi biết, không có cư dân Trung Quốc nào ở đây nhận được thông báo sơ tán từ Đại sứ quán. Không có thông tin nào được cung cấp về thủ tục sơ tán”, ông giải thích và nói thêm rằng ông chỉ nghe nói về một công ty địa phương của Trung Quốc gần đây đã thuê máy bay để trở về Trung Quốc.

Ông được biết qua tin tức rằng Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã lên án gay gắt Hamas về cái chết của một y tá Filipina và kêu gọi Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu có hành động chống lại Hamas. Ông cũng đã đến thăm gia đình nữ y tá ở Philippines để bày tỏ nỗi đau buồn.

Ông Lưu nói về ông Marcos: “Đó là một vị tổng thống rất coi trọng người dân của mình”.

Mặt khác, ông nói: “Hãy nhìn vào phản ứng của Trung Quốc. Bốn người Trung Quốc đã thiệt mạng, và cho đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa lên án Hamas cũng như không lên án hành vi khủng bố hay sát hại dân thường. Nhiều người dân Trung Quốc có lẽ sẽ rất thất vọng với chính phủ này, một chính phủ không chịu trách nhiệm với chính người dân của mình. Cứ như thể, trước những thảm kịch như vậy, mạng sống của thường dân Trung Quốc không thành vấn đề, không có tin tức hay lời chia buồn nào được đưa ra, như thể không có chuyện gì xảy ra”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/10 xác nhận 4 công dân Trung Quốc đã thiệt mạng trong cuộc xung đột Israel - Hamas, 2 người vẫn mất tích và 6 người khác bị thương. Cơ quan này cũng cho biết các chuyến bay thương mại giữa Trung Quốc và Israel vẫn đang hoạt động.

Ông Lưu cho biết những người Trung Quốc mới đến Israel gần đây rất lo lắng và đang cân nhắc nhiều lựa chọn khác nhau để quay trở về Trung Quốc. Trên các nhóm truyền thông xã hội địa phương của Trung Quốc, một số người phàn nàn rằng họ đã cố gọi cho Đại sứ quán Trung Quốc nhưng chưa bao giờ liên lạc được.

“Những người Trung Quốc vừa từ Trung Quốc đến đây tin rằng họ có ‘tổ quốc hùng mạnh’ phía sau. Tôi không thể không cho rằng họ sẽ thất vọng. Nhiều người đặt hy vọng vào Đại sứ quán Trung Quốc, nhưng trên thực tế, tôi tin rằng khả năng liên lạc được với họ qua điện thoại thành công là khá mong manh”, ông Lưu cho hay.

Khái niệm “tổ quốc hùng mạnh” bắt nguồn từ việc tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cực đoan do ĐCSTQ thúc đẩy trong những năm gần đây, được phổ biến qua phim ảnh và sự nhồi sọ trong lớp học.

Không giống như những người mới đến, ông Lưu chỉ ra rằng những người Trung Quốc sinh sống ở Israel một thời gian không cảm thấy sợ hãi.

"Đó là vì vào năm 2021, 3.000 quả tên lửa đã tấn công Israel và ngày hôm đó chúng tôi vẫn ổn. Những người đã ở đây hơn hai năm tin tưởng vào chính phủ Israel và nhiều người chọn ở lại vì họ tin rằng Israel có thể giải quyết tốt vấn đề này", ông giải thích.

Năm 2021, quân đội Israel thông báo rằng hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) đã chặn được 3.000 quả tên lửa của Hamas bắn từ Dải Gaza với tỷ lệ thành công 90%.

Người dân Trung Quốc chỉ trích ĐCSTQ

Kể từ khi những kẻ khủng bố Hamas tấn công Israel vào ngày 7.10, hàng chục quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Úc, Hoa Kỳ và Canada, đã sắp xếp các chuyến bay sơ tán để giúp công dân của họ rời khỏi Israel.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa điều động bất kỳ máy bay đặc biệt nào tới hỗ trợ sơ tán công dân Trung Quốc.

Bà Mao Ninh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 16/10: “Hiện tại, các chuyến bay thương mại giữa Trung Quốc và Israel vẫn đang hoạt động và công dân Trung Quốc được khuyên nên trở về nước càng sớm càng tốt trên các chuyến bay thương mại”.

Mặc dù Đại sứ quán Trung Quốc tại Israel không cung cấp bất kỳ thông tin cập nhật nào về tình hình sơ tán nhưng họ đã đưa ra cảnh báo an toàn cho người dân Trung Quốc vào ngày 13/10, khuyên họ nên cảnh giác về an ninh của mình.

Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh chưa làm đủ để hỗ trợ họ.

Một số ảnh chụp màn hình lan truyền trên mạng cho thấy một nhóm WeChat - nơi sinh viên Trung Quốc ở Israel thường xuyên tìm kiếm thông tin từ Đại sứ quán về kế hoạch sơ tán. Tuy nhiên, nhân viên đại sứ quán cảnh báo họ không nên chia sẻ “nội dung và tin đồn không liên quan” trong nhóm.

Một sinh viên viết: “Chỉ sau khi ra nước ngoài, tôi mới nhận ra rằng ‘Chiến lang’ là lời nói dối lớn nhất mọi thời đại”.

"Chiến Lang" là một bộ phim bom tấn của Trung Quốc nhằm đề cao lòng tự hào dân tộc bằng cách tuyên bố rằng ĐCSTQ sẽ nỗ lực hết sức để giúp đỡ những người đồng hương của mình đang vướng vào các cuộc xung đột ở hải ngoại.

Trong một bài đăng, một cư dân mạng chỉ trích ban lãnh đạo ĐCSTQ: “Cuộc sơ tán mà quý vị tưởng tượng là cảnh một anh hùng Trung Quốc lái tàu chiến đưa quý vị hồi hương. Nhưng trên thực tế, cuộc sơ tán này đòi hỏi quý vị phải mua vé máy bay thương mại để trở về quê hương”.

ĐCSTQ ưu tiên chương trình nghị sự chính trị của riêng mình

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 18/10, ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu Giáo sư tại Đại học Sư Phạm Thủ đô Bắc Kinh, nói rằng do bản chất độc tài của ĐCSTQ, họ không coi trọng mạng sống của người dân và mọi quyết định của họ đều dựa trên nhu cầu chính trị.

Ông Lý giải thích rằng Đại sứ quán Trung Quốc không có thẩm quyền độc lập thực hiện việc sơ tán Hoa kiều. Quá trình này liên quan đến việc báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn, chẳng hạn như Quốc Vụ viện, và đòi hỏi nỗ lực phối hợp tốt. Tuy nhiên, các quan chức ở các cấp khác nhau trong ĐCSTQ ngần ngại đẩy nhanh quá trình và có xu hướng chờ đợi chỉ thị từ cấp có thẩm quyền cao nhất, dẫn đến thường xuyên bị chậm trễ.

“Vấn đề mấu chốt là ĐCSTQ không coi trọng sự sống và cái chết của người dân Trung Quốc, bằng chứng là trận động đất Tứ Xuyên năm 2008. Việc có bao nhiêu người chết trong trận động đất không quan trọng. Ở các nước khác, tin tức về thương vong và tử vong thường xuyên được đưa tin. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, ĐCSTQ phớt lờ và che đậy nên người dân không nhìn thấy những tin tức kiểu này”, ông nói.

Ông nhấn mạnh rằng quyết định tiến hành các biện pháp giải cứu của ĐCSTQ chủ yếu dựa trên việc nỗ lực đó sẽ làm tổn hại đến hình ảnh của ĐCSTQ như thế nào. Nếu việc Bắc Kinh khoanh tay đứng nhìn thu hút sự chú ý rộng rãi và những nhận xét tiêu cực từ giới truyền thông quốc tế, thì lúc đó ĐCSTQ mới chú ý đến.

Ông nói: “Và khi hành động, nó sẽ phát động một chiến dịch công khai được đóng khung là ‘Trung Quốc là một quốc gia tuyệt vời!’. Về cơ bản, đây là thói quen của ĐCSTQ”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người Trung Quốc ở Israel ngày càng thất vọng vì Bắc Kinh không có kế hoạch sơ tán