Quan chức thương mại Mỹ - Trung không tìm được tiếng nói chung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 25/5, trong thời gian tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 tại Washington (Mỹ), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao). Hai bên đã trao đổi những bất bình nhưng không tạo được nền tảng mới trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung đầy mong manh.

Theo một tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ, bà Raimondo đã "nêu quan ngại" về những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Trung Quốc.

“Bộ trưởng Gina Raimondo đã nêu lên mối lo ngại về hàng loạt hành động gần đây của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ đang hoạt động tại nước này", Bộ thương mại Mỹ cho hay.

Theo một tuyên bố từ Bộ Thương mại của ĐCSTQ, ông Vương cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn chế độ này có được chất bán dẫn tiên tiến và các công nghệ quan trọng khác.

Bộ thương mại Mỹ cũng cho biết, quan chức hai nước có các cuộc thảo luận “thẳng thắn và thực chất về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”.

Các cuộc thảo luận này xoay quanh các lĩnh vực thương mại và đầu tư phù hợp cho "sự hợp tác tiềm năng", nhưng không bên nào đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các cuộc thảo luận đó mang lại kết quả, họ cũng không xác định được những lĩnh vực hợp tác khả thi nào.

Cả hai tuyên bố đều không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về nội dung của các cuộc hội đàm và dường như cuộc gặp cũng đã đạt được rất ít tiến bộ trong việc giải quyết những bất đồng dai dẳng của hai quốc gia trong các lĩnh vực công nghệ, an ninh và thương mại. Mặt khác, bà Raimondo và ông Vương cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận thương mại song phương trong tương lai.

Mỹ tìm kiếm đối thoại trong khi ĐCSTQ đàn áp các doanh nghiệp nước ngoài

Cuộc hội đàm của hai quan chức thương mại Mỹ - Trung diễn ra trong bối cảnh ĐCSTQ đã tiến hành một loạt cuộc đàn áp gần đây ở Trung Quốc. Theo đó, ĐCSTQ đã đột kích vào các công ty tư vấn và các doanh nghiệp nước ngoài khác, thu giữ dữ liệu cá nhân và bắt giữ nhân viên mà không có lý do rõ ràng.

ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc điều tra, khám xét vào 3 doanh nghiệp: văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn nổi tiếng Bain & Company của Mỹ, công ty tư vấn quốc tế Capvision và Công ty thẩm định Mintz Group.

Các cuộc đột kích diễn ra sau khi Trung Quốc sửa đổi “Luật chống gián điệp”, mở rộng các quy định về tình báo và an ninh quốc gia gây tranh cãi.

Như vậy, các lực lượng an ninh của ĐCSTQ sẽ có thêm nhiều quyền hơn. Họ được phép lục soát tài sản cá nhân và thiết bị điện tử của những người bị tình nghi làm gián điệp. ĐCSTQ có thể cấm xuất cảnh đối với công dân Trung Quốc có nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia hoặc cấm công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này.

ĐCSTQ cũng không đưa ra lời giải thích nào cho các cuộc khám xét trên, vốn đã gây ra sự phản đối kịch liệt trên toàn thế giới và làm dấy lên lo ngại về các hành vi vi phạm nhân quyền ngày càng leo thang của chế độ này đối với nhân viên của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, đây dường như là một phần trong cuộc đàn áp rộng lớn hơn đối với các công ty nước ngoài của ĐCSTQ, điều này đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Bất chấp sự thù địch ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp phương Tây, chính quyền ông Biden đang nỗ lực gấp đôi để đưa chính phủ ĐCSTQ trở lại quỹ đạo ngoại giao thông thường. Vì mục tiêu đó, cuộc gặp giữa bà Raimondo và ông Vương là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Washington nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán với Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Biden gặp nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình tại Bali vào tháng 11 năm ngoái.

Ban đầu, Nhà Trắng đã ca ngợi sự hiện diện của Trung Quốc ở Bali như một tín hiệu đánh dấu sự tan băng trong quan hệ Mỹ - Trung; đồng thời khẳng định đó là bằng chứng về khả năng của Washington trong việc tham gia đối thoại một cách xây dựng với đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những hy vọng đó đã tan thành mây khói vào tháng 2/2023, khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay qua lục địa Hoa Kỳ, đi qua cả các căn cứ quân sự trọng yếu liên quan đến chương trình hạt nhân của quốc gia này.

Kể từ đó, chính quyền ông Biden đã phải vật lộn để tái tạo “khoảnh khắc Bali”, với việc các quan chức Mỹ thường viện dẫn sự kiện này trong nỗ lực tái hợp tác với Trung Quốc.

Trong một cuộc họp báo hồi đầu tuần, Điều phối viên phụ trách Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby đã mô tả quá trình này là nỗ lực của toàn chính phủ nhằm tái tạo “tinh thần Bali”.

Tương tự, bà Raimondo cũng đề cập đến Bali trong cuộc gặp với ông Vương Văn Đào ngày 25/5 và tuyên bố của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đề cập rõ ràng đến điểm này.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức thương mại Mỹ - Trung không tìm được tiếng nói chung