Với cơ sở hạ tầng 'tả tơi', Ukraine kêu gọi đồng minh viện trợ vũ khí phòng không

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các cuộc tấn công đang diễn ra của Nga đã tàn phá cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, gây ra tình trạng mất điện liên tục và làm tê liệt hệ thống giao thông ở một số khu vực. Trong khi đó, Kyiv đã yêu cầu các đồng minh phương Tây hùng mạnh cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến để tăng cường năng lực phòng thủ cho quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá.

"Tất nhiên, tình trạng thiếu [năng lượng] vẫn tiếp diễn. Tình trạng [mất điện] vẫn tiếp diễn", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trong một bài phát biểu qua video vào ngày 26/12.

Ông tiếp tục khẳng định rằng, khoảng 9 triệu người dân Ukraine hiện đang sống trong tình cảnh không có điện.

Các lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và pháo binh vào các cơ sở năng lượng của Ukraine kể từ giữa tháng 10.

Theo các quan chức Ukraine, ít nhất một nửa cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này đã bị hư hại do các cuộc tấn công liên tiếp.

Công nhân đang sửa chữa đường dây điện cao thế bị đứt sau các cuộc không kích gần đây gần Odesa, Ukraine, hôm 7/12/2022, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Oleksandr Gimanov/AFP/Getty Images)

Kyiv và các đồng minh phương Tây cáo buộc rằng, các cuộc tấn công của Nga nhằm mục đích làm tổn thương dân thường và cấu thành nên “tội ác chiến tranh”.

Về phần mình, Nga cho biết các lực lượng của họ sử dụng vũ khí có độ chính xác cao để tránh gây thương vong cho dân thường, đồng thời lập luận rằng các cuộc tấn công của họ chỉ nhằm mục đích quân sự.

Các cuộc tấn công ồ ạt của quân đội Nga vào giữa tháng 12 đã gây ra tình trạng thiếu điện trầm trọng ở các khu vực xung quanh thủ đô Kyiv, cũng như các vùng Lviv, Dnipro và Kharkov.

Hệ thống phòng không Patriot 'lọt vào tầm ngắm' của Nga

Với mục đích đã nêu là bảo vệ cơ sở hạ tầng của Ukraine khỏi các cuộc tấn công của Nga, Kyiv đã yêu cầu các đồng minh phương Tây hùng mạnh cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến để tăng cường năng lực phòng thủ cho quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá.

Tuần trước, Washington đã công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 1,85 tỷ USD. Gói này bao gồm cả hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.

Nếu được chuyển giao, hệ thống Patriot sẽ là hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến nhất của Mỹ được cung cấp cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào cuối tháng Hai.

Thông báo này trùng hợp với chuyến thăm cấp cao tới Washington của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy để gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Ông Zelenskyy đã được Quốc hội Hoa Kỳ chào đón như một "người hùng" của Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã ca ngợi sự hào phóng của Hoa Kỳ và nói rằng, khoản viện trợ này sẽ “mở ra cơ hội cho các nước khác làm điều tương tự".

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 26/12 với hãng thông tấn AP, ông Kuleba ước tính rằng, hệ thống ​​phòng không Patriot sẽ đến tay Kyiv trong vòng “chưa đầy sáu tháng”. Trước đó, quân đội Ukraine cũng được huấn luyện toàn diện về cách sử dụng hệ thống phòng không tiên tiến này, ông bổ sung.

Đáp lại, Điện Kremlin mô tả động thái này là "sự leo thang nguy hiểm" có nguy cơ lôi kéo Mỹ lún sâu hơn vào cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Moscow đã lập luận rằng các khẩu đội Patriot, một khi được chuyển giao cho Ukraine, sẽ được coi là "mục tiêu hợp pháp" của lực lượng Nga.

Trong khi hệ thống Patriot được thiết kế để đánh chặn máy bay không người lái, tên lửa và đạn pháo, nó cũng có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào máy bay địch.

Đài Loan và Mỹ ký hợp đồng trị giá 84 triệu USD bảo trì hệ thống tên lửa Patriot PAC-3
Các sĩ quan Quân đội Hoa Kỳ đứng bên cạnh hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. (Ảnh: Jack Guez/AFP/Getty Images)

Rome: Tín hiệu hỗn hợp

Không giống như Hoa Kỳ, Ý tỏ ra có phần lưỡng lự về quyết định cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine.

Ngày 28/12, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto nói với truyền thông địa phương rằng, Rome sẽ chỉ gửi hệ thống phòng không SAMP-T tiên tiến tới Kyiv "nếu có thể".

Hệ thống phòng không SAMP-T được tập đoàn Eurosam của châu Âu (liên doanh giữa các công ty Aerospatiale, Alenia và Thompson-CSF) chế tạo. Hệ thống này có nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ quân sự cũng như chống lại các mối đe dọa trên không như tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, tên lửa chống bức xạ và máy bay không người lái.

"Nếu Ý cung cấp tên lửa phòng không cho Ukraine, chúng tôi sẽ phải lấy chúng từ kho dự trữ của mình", tờ nhật báo hàng đầu của Ý Il Messaggero dẫn lời ông Crosetto.

Ông nói thêm: "Ý phải [gửi các hệ thống phòng không đến Ukraine] mà không làm cạn kiệt [và] đảm bảo chất lượng của các hệ thống này".

Trước đó một ngày, ông Zelenskyy đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni. Trong cuộc điện đàm, bà Georgia Meloni nhắc lại sự ủng hộ của Ý đối với nỗ lực chiến tranh của Ukraine.

Ngay sau cuộc điện đàm, ông Zelenskyy đã thông báo trên Twitter rằng, Rome đang cân nhắc quyết định cung cấp hệ thống phòng không cho Kyiv.

Bà Meloni mới nhậm chức Thủ tướng vào tháng 10, đồng thời cũng là người ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine.

Tuy nhiên, các thành viên khác trong Liên minh cánh hữu của bà Meloni, bao gồm cả Phó Thủ tướng Matteo Salvini, lại duy trì lập trường ôn hòa hơn đối với Nga. Ông cũng công khai chỉ trích các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt đối với Moscow.

Hình ảnh tư liệu cho thấy các binh sĩ Ukraine chạy tới hệ thống phòng thủ chống tên lửa S-300 do Liên Xô sản xuất trong quá trình huấn luyện, ở Crimea, Ukraine, vào ngày 02/07/1995. (Ảnh: Getty Images)

Hy Lạp đề xuất cung cấp S-300 cho Ukraine để đổi lấy Patriot

Trong khi đó, Athens gần đây đã ám chỉ về việc sẵn sàng cung cấp cho Kyiv các hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất và các thiết bị quân sự khác từ thời Liên Xô cũ.

Tuy nhiên, đề xuất này đi kèm với một thông báo của các quan chức Hy Lạp rằng: tất cả các hệ thống tên lửa đất đối không S-300 mà Hy Lạp cung cấp cho Ukraine phải được thay thế bằng khẩu đội Patriot.

Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikolaos Panagiotopoulos nói rằng: “Nếu Hoa Kỳ triển khai hệ thống Patriot trên đảo [Crete]… thì khi đó hệ thống S-300 có thể bị loại bỏ".

Tạp chí Forbes của Mỹ trích dẫn phát biểu của ông vào ngày 19/12 rằng: “Điều tương tự cũng áp dụng cho bất kỳ hệ thống phòng không nào khác do Nga sản xuất mà họ có thể muốn gửi [từ Hy Lạp] đến Ukraine”.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói rằng, Washington "chắc chắn đánh giá cao cách mà cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Hy Lạp, bày tỏ sự ủng hộ của họ [đối với Ukraine]".

Ông nói thêm rằng, Mỹ đang cân nhắc các phương pháp hỗ trợ an ninh cho Ukraine, có thể là viện trợ trực tiếp hoặc thông qua các quốc gia khác.

Vào ngày 22/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi Athens "từ bỏ các kế hoạch nguy hiểm của mình". Theo bà, kế hoạch này sẽ chỉ làm suy giảm khả năng phòng không của Hy Lạp.

Tính đến thời điểm báo chí đưa tin, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận của The Epoch Times về kế hoạch được đề xuất.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Với cơ sở hạ tầng 'tả tơi', Ukraine kêu gọi đồng minh viện trợ vũ khí phòng không