Bên trong chương trình khinh khí cầu quân sự của Trung Quốc - Phần nổi của tảng băng chìm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu không có sự cố Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc vì xâm nhập không phận nước này, có lẽ thế giới sẽ không biết được rằng Bắc Kinh đã thực hiện chương trình khí cầu gián điệp rộng lớn hơn từ nhiều năm trước, và những chương trình bị Hoa Kỳ trừng phạt mới chỉ là 'phần nổi của tảng băng chìm'.

Khi một khinh khí cầu do thám khổng lồ màu trắng từ Trung Quốc thu hút sự chú ý của Mỹ trong những ngày vừa qua, thì từ nhiều năm trước có một chuyên gia hàng không vũ trụ cấp cao của Trung Quốc đã theo dõi sát sao hành trình của một khí cầu không người lái đang di chuyển trên khắp thế giới.

Khí cầu trắng trông giống như một chấm đỏ nhấp nháy trên bản đồ thời gian thực, nhưng trên thực tế, nó nặng vài tấn và dài 328 feet (100 mét) - dài hơn khoảng 80 feet (23,3 km) so với một chiếc Boeing 747-8 - một trong những máy bay chở khách lớn nhất thế giới.

“Nhìn này, đây là nước Mỹ", ông Vũ Triết (ông Wu Zhe), kiến trúc sư trưởng về khinh khí cầu, nói với tờ Nhật báo Nam Phương (Nanfang Daily) của nhà nước Trung Quốc. Ông đã rất hứng khởi khi chỉ vào một đường màu đỏ biểu thị lộ trình của khí cầu ở độ cao hơn 65.000 feet (20.000 mét) trên không trung. Ông nói rằng chuyến bay này đã lập kỷ lục thế giới vào năm 2019.

Chiếc khí cầu có tên Cloud Chaser (Truy Vân) đã bay được khoảng một tháng qua ba vùng biển và ba lục địa, bao gồm cả tiểu bang Florida (Mỹ). Khí cầu đang lơ lửng trên Thái Bình Dương vào thời điểm ông Vũ trả lời phỏng vấn vào tháng 8/2022, chỉ vài ngày trước khi nó hoàn thành nhiệm vụ.

Bản vẽ của Khinh khí cầu Truy Vân (Trích Nhật báo Nam Phương)

Ông Triết Vũ, một nhà nghiên cứu hàng không vũ trụ kỳ cựu, đã có công trong việc thúc đẩy cuộc đua "near space" của chính quyền Trung Quốc.

Khu vực “near space” (không gian gần) là không gian nằm ở độ cao từ 65.000 feet (20.000 mét) đến 325.000 feet (99 km) so với mực nước biển. Khu vực này quá cao đối với máy bay nhưng lại quá thấp đối với vệ tinh, nó đã “lọt vào mắt xanh” của Trung Quốc. Bắc Kinh đánh giá đây là nơi lý tưởng để khai thác nhằm theo đuổi mục tiêu thống trị quân sự của chế độ này.

Mặc dù đã tồn tại hàng thập kỷ, nhưng chương trình khinh khí cầu quân sự của Trung Quốc mới chỉ được chú ý gần đây sau khi Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc đã trôi dạt khắp nước Mỹ trong vòng một tuần và lơ lửng bên trên nhiều căn cứ quân sự trọng yếu của Hoa Kỳ. Khinh khí cầu này có kích thước bằng ba chiếc xe buýt, nhỏ hơn so với Truy Vân.

Kể từ đó, các lực lượng Mỹ và Canada đã liên tiếp bắn hạ ba vật thể bay trên không phận Bắc Mỹ. Tuy nhiên, hôm 16/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng rất có thể chúng có liên quan đến các công ty tư nhân.

Tháng này đánh dấu sinh nhật lần thứ 66 của ông Vũ. Ông có mối liên hệ với ít nhất 4 trong số 6 doanh nghiệp Trung Quốc mà Washington gần đây đã trừng phạt vì đã hỗ trợ chương trình khinh khí cầu quân sự quy mô lớn của Bắc Kinh. Đây là chương trình mà chính quyền Hoa Kỳ tuyên bố đã vươn tới hơn 40 quốc gia trên 5 châu lục.

Trong hơn ba thập kỷ làm việc trong ngành hàng không vũ trụ, ông Vũ đã giúp tạo ra các máy bay chiến đấu nội địa và công nghệ tàng hình cho chính phủ Trung Quốc, giành được ít nhất một giải thưởng cho những đóng góp của ông cho quân đội.

Ông từng là phó hiệu trưởng của Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh (Beihang University in Beijing), một trường hàng không danh tiếng do nhà nước điều hành, cho đến khi ông tự nguyện từ chức vào năm 2004 để tập trung vào giảng dạy và nghiên cứu. Trước đó ông từng phục vụ trong Ủy Ban Cố Vấn Khoa Học của Tổng cục Trang Bị thuộc Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), một cơ quan hiện đã giải thể phụ trách trang bị cho quân đội Trung Quốc.

Theo hồ sơ công khai, ông Vũ có mối liên hệ mật thiết trong ngành hàng không vũ trụ và sở hữu cổ phần trong một số công ty hàng không. Ông là Chủ tịch của Eagles Men Aviation Science có trụ sở tại Bắc Kinh, một trong 6 công ty (cùng với công ty con tại tỉnh Sơn Tây) bị Washington chỉ đích danh là thủ phạm trong lệnh trừng phạt liên quan đến khinh khí cầu.

Mỹ công bố ảnh trục vớt khí cầu do thám Trung Quốc
Hải quân Mỹ đang tiến hành trục vớt xác khinh khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina, hôm 5/2/2023. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

'Kẻ giết người thầm lặng'

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ lâu đã tìm cách kiểm soát khu vực “near space”, nơi mà các chuyên gia Trung Quốc coi là khu vực chứa nhiều tiềm năng, từ khinh khí cầu tầm cao cho đến vũ khí siêu thanh.

Có rất nhiều thông tin có sẵn trên bầu trời mà một khí cầu được trang bị hệ thống giám sát điện tử có thể chặn và biến thành tài sản tình báo.

Ông Art Thompson, đồng sáng lập của doanh nghiệp hàng không vũ trụ California Sage Cheshire Aerospace cho biết: “Nếu một khinh khí cầu bay ở độ cao 100.000 feet (30.000 mét) trên không trung, thì nó có thể… quan sát mặt đất bên dưới trải dài hàng trăm km qua nhiều tiểu bang”.

Trong suốt ba thập kỷ làm việc trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, ông Thompson đã làm việc với máy bay ném bom tàng hình B-2 và là Giám đốc Kỹ thuật cho dự án Red Bull Stratos. Dự án này đã phá kỷ lục về chuyến bay khinh khí cầu cao nhất và khinh khí cầu có người lái lớn nhất.

Ông Art Thompson, Giám đốc điều hành của Sage Cheshire và Chủ tịch của A2ZFX, ngồi bên trong chiếc hộp mô hình do ông thiết kế cho dự án Red Bull Stratos ở Lancaster, tiểu bang California, ngày 13/8/2022. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

"Cho dù đó là dữ liệu điện thoại, dữ liệu vô tuyến, đường truyền của máy bay, cho đến máy bay loại gì, ai sở hữu máy bay, tất cả những thông tin đó đều có sẵn", ông Thompson nói thêm.

Theo một bài báo của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, các sáng kiến thăm dò khinh khí cầu tầm cao đã được Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) - cơ quan do nhà nước điều hành - thực hiện từ đầu những năm 1970. Vào thời điểm đó do thiếu sự trợ giúp từ máy tính, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã lấy cảm hứng từ các ấn phẩm hàng không vũ trụ của Đức và Nhật Bản và cắt các tờ báo để ghép các nguyên mẫu lại với nhau.

Kết quả là, một khinh khí cầu Heli với một giỏ nhôm, tổng thể có kích thước gần bằng một quả khinh khí cầu tiêu chuẩn đã ra đời. Năm 1983, phi hành đoàn vui mừng đặt tên cho nó là HAPI và phóng nó vào tầng bình lưu để nghiên cứu các tín hiệu từ sao neutron.

Khinh khí cầu là một công nghệ được người Pháp sử dụng để canh gác từ đầu những năm 1700. Đối với quân đội Trung Quốc, nó có tầm quan trọng chiến lược cao.

Một bài báo năm 2021 của tờ PLA Daily, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc, phân tích rằng, so với máy bay hoặc vệ tinh, khinh khí cầu rẻ hơn và dễ điều khiển hơn, có thể mang trọng tải nặng hơn và bao phủ một khu vực rộng hơn, đồng thời khó bị phát hiện hơn. Chúng tiêu thụ ít năng lượng hơn do đó chúng có thể “lảng vảng” ở khu vực mục tiêu trong một thời gian dài. Và điều quan trọng là chúng thường không bị radar phát hiện nên có thể dễ dàng né tránh hệ thống phòng không của kẻ thù hoặc được phân loại là Vật thể bay không xác định (UFO).

Có vẻ như những phân tích trên đã trở thành hiện thực. Các quan chức chính quyền ông Biden cho biết họ phát hiện ra ba khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua Hoa Kỳ dưới thời chính quyền ông Trump và một khí cầu khác sau khi ông Biden nhậm chức.

Kể từ đó, cả Đài Loan và Nhật Bản đã xác định được một số vụ khí cầu xâm phạm nghi là của Trung Quốc trong những năm gần đây và hiện họ đang đe dọa sẽ bắn hạ bất kỳ vật thể tình nghi nào hiện diện trong không phận của họ.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những khí cầu này trong chiến tranh. Các bài báo và tài liệu nghiên cứu cho thấy họ đã miệt mài tìm tòi và phát hiện ra vô số tiềm năng của khinh khí cầu.

Theo đó, khí cầu có thể phát hiện tên lửa, máy bay và tàu chiến trong không gian thấp hơn, đóng vai trò là phương tiện liên lạc trong thời chiến, hay thả vũ khí để tấn công kẻ thù, gây nhiễu điện từ và vận chuyển thực phẩm hoặc quân nhu trên một khoảng cách rất xa.

“Trong tương lai, các giàn khinh khí cầu có thể giống như tàu ngầm dưới biển sâu: kẻ giết người thầm lặng gieo rắc nỗi kinh hoàng”, các nhà bình luận quân sự Trung Quốc cho biết.

Theo ông Thompson, những khẳng định như vậy “không ngoa”. Nghịch lý ở chỗ, khi được sử dụng đúng cách, tốc độ khiêm tốn của khinh khí cầu sẽ trở thành sức mạnh của nó.

Ông Thompson nói: “Khinh khí cầu gần như vô hình trên radar. Trong khi mọi người có thể sợ hãi về một tên lửa liên lục địa bay qua trong vài phút, thì khinh khí cầu có thể lặng lẽ vận chuyển một quả tên lửa một cách vô hình”.

“Nếu bây giờ quý vị muốn phóng quả tên lửa đó, thì không cần đến vài phút mà chỉ mất vài giây. Chúng ta còn không kịp phản ứng… Nó sẽ tấn công chúng ta trước khi chúng ta kịp nhận thức xem chuyện gì vừa xảy ra”.

"Đó là một viễn cảnh đáng sợ. Thật trớ trêu khi một trong những công nghệ lâu đời nhất lại sở hữu năng lực khá nguy hiểm".

Một con rùa sau khi trở về từ tầng lưu, tháng 10/2017. (Ảnh: Trung tâm thông tin Internet Trung Quốc)

Một ngành công nghiệp thịnh vượng

Sau khi HAPI ra mắt, các nhà khoa học Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công nghệ “near space”. Vào năm 2017, họ đã đưa một con rùa sông đốm vàng lên độ cao 68.900 feet (21.000 mét) trên khu vực phía bắc Tân Cương, trở thành thiết bị khí cầu đầu tiên phóng một động vật sống vào tầng bình lưu.

Năm tiếp theo, một khinh khí cầu tầm cao đã thả ba tên lửa bội siêu thanh xuống sa mạc Gobi ở Nội Mông.

Năm ngoái, một khinh khí cầu đã mang một tên lửa lên cao cách mặt đất hơn 82.000 feet (25.000 mét), khiến Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên thử nghiệm các kỹ thuật này, theo truyền thông nhà nước.

Trong khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố khinh khí cầu do thám xuất hiện ở Mỹ là khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khí tượng, thì trên thực tế các quan chức khí tượng ở Trung Quốc lại có một lịch sử hợp tác với quân đội nước này.

Theo CCTV, Trung Quốc đã thử nghiệm phương tiện lượn siêu thanh được thả từ khinh khí cầu vào năm 2018. (Cảnh quay camera)

Theo cơ quan truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã, các cơ quan khí tượng của PLA đã phối hợp với các cơ quan khí tượng địa phương để tổ chức một cuộc diễn tập quân sự ở ba thành phố vào năm 2013. Sau quyết định tái cấu trúc quân đội quy mô lớn của nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, mối quan hệ hợp tác như vậy đã trở nên sâu sắc hơn trong những năm tiếp theo.

Năm 2017, người đứng đầu Cục Khí tượng Trung Quốc, cơ quan khí tượng quốc gia của nước này, đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo quân sự và cam kết ưu tiên "kết hợp quân sự - dân sự", một thuật ngữ về chiến lược quốc gia của chế độ này nhằm khai thác những sáng kiến của khu vực tư nhân để phục vụ cho mục đích quân sự.

Trong khi đó, làn sóng sản xuất khinh khí cầu đã phát triển mạnh mẽ.

Theo truyền thông nhà nước, Viện Nghiên cứu & Thiết kế Cao su Chu Châu ở tỉnh Hồ Nam, miền trung nam Trung Quốc, một công ty con của tập đoàn hóa chất nông nghiệp khổng lồ ChemChina - nằm trong danh sách đen của Hoa Kỳ do có liên hệ với quân đội - là nhà cung cấp chuyên dụng cho cục khí tượng quốc gia Trung Quốc. Công ty này sản xuất 3/4 số khinh khí cầu được sử dụng trong các trạm thời tiết trên toàn quốc.

Doanh nghiệp được mệnh danh là "nhà vô địch giấu mặt made in China" này đã nợ hàng triệu USD vào đầu những năm 2000 trước khi bước vào cuộc chơi sản xuất khinh khí cầu. Công ty này tiếp tục trở thành công ty đầu ngành, đóng vai trò then chốt trong việc phát triển tiêu chuẩn quốc gia về khí cầu thời tiết của Trung Quốc và hiện sở hữu khoảng 30 bằng sáng chế dưới tên mình, theo một trang web của chính quyền địa phương.

Vào tháng 9/2017, Công ty Cao su Chu Châu đã tài trợ 30 triệu nhân dân tệ (4,38 triệu USD) cho một cơ sở trọng điểm cấp tỉnh để nghiên cứu khinh khí cầu do thám trong vùng “near space”. Mục đích của dự án là nhằm cung cấp "an ninh cho hệ thống phòng thủ quốc gia trên mặt trận near space", công ty này cho biết.

Công ty Cao su Chu Châu đã nhận được một tuyên bố chính thức từ Tổng cục Trang Bị của PLA về việc chế tạo khinh khí cầu để hỗ trợ cho sự trở lại của Hằng Nga 5, tàu vũ trụ được sử dụng cho sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng lần thứ năm của Trung Quốc, diễn ra vào năm 2020.

Một tên lửa Trường Chinh-5 mang theo tàu vũ trụ Hằng Nga-5 cất cánh từ Bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, ngày 24/11/2020. (Ảnh: VCG/VCG/Getty Images)

Theo một hồ sơ dự thầu trên một trang web của chính quyền tỉnh Hồ Nam, vào tháng 3/2022, Viện Nghiên cứu và Thử nghiệm Công nghiệp Vũ khí Trung Quốc (China Ordnance Industry Experiment and Testing Institute) đã hỏi giá để mua hàng trăm khinh khí cầu phát ra âm thanh từ công ty mẹ của nó – Norinco – tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, là nhà sản xuất vũ khí lớn cho quân đội Trung Quốc. Không rõ viện nghiên cứu này có nộp hồ sơ dự thầu hay không.

Kể từ sự cố khinh khí cầu do thám gần đây, trang web của công ty đã không còn truy cập được.

Theo ông Thompson, người Trung Quốc coi những khinh khí cầu này là công cụ giá rẻ để thử nghiệm các bộ phận của thiết bị quân sự.

"Giả như họ đang nghiên cứu về một bộ phận của thiết bị điện tử mà họ muốn lắp vào tên lửa để xem nó có chịu được nhiệt độ và độ cao hay không, hay nó có truyền được tín hiệu hay không? Lúc đó, họ sẽ lấy bộ phận mà họ muốn thử nghiệm ra và gắn nó vào khinh khí cầu, sau đó phóng khí cầu lên cao để xem bộ phận này sẽ xử lý ra sao", ông cho hay.

Tốc độ 'ngoạn mục' của chương trình khinh khí cầu Trung Quốc

Công ty Cao su Chu Châu chỉ là một người chơi trong lĩnh vực này.

Công ty TNHH Công nghệ Viễn thám Lăng Không Đông Quản (Dongguan Lingkong Remote Sensing Technology Co., Ltd) tuyên bố, họ sở hữu hàng chục bằng sáng chế liên quan đến khinh khí cầu tầng bình lưu như: khinh khí cầu tầng bình lưu có khả năng cơ động và vật liệu khinh khí cầu có độ bền cao, trọng lượng nhẹ.

Ông Vũ Triết là kiểm toán viên theo luật định của Công ty Công nghệ Viễn thám Lăng Không và là Giám đốc của Viện nghiên cứu thuộc Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh tại thành phố Đông Quản. Viện này sở hữu công ty Lăng Không kể trên.

Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC), một doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước, từng được ghi nhận là đã giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách công nghệ trong lĩnh vực khí cầu. Viện nghiên cứu thứ 48 của tập đoàn này đã bị Mỹ trừng phạt sau sự cố khinh khí cầu do thám Trung Quốc.

Vào năm 2010, công ty này đã cho ra mắt một khí cầu lớn màu trắng. Thông qua thiết bị giám sát có độ nét cao quét mặt đất liên tục, nó có thể phát hiện chi tiết của các vật thể nhỏ, ví như một cuốn sách, trên diện tích hơn một trăm dặm vuông (khoảng 259 km vuông), theo một bài báo của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc được đăng lại trên trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

Khinh khí cầu JY-400 mới nhất mà viện nghiên cứu thứ 38 của CETC trình làng vào năm 2021, có thể đáp ứng cả nhu cầu dân sự và quân sự. Khí cầu này có khả năng mang trọng tải để phát hiện tên lửa, nghe lén và can thiệp thông tin liên lạc, theo truyền thông Trung Quốc đưa tin. Bài báo cũng trích dẫn rằng, các phương tiện truyền thông Nga bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy đất nước của họ bị Trung Quốc vượt mặt với tốc độ ngoạn mục và gọi đó là "tốc độ Trung Quốc".

Sự giống nhau đến ngỡ ngàng của khinh khí cầu JY-400 với một thiết kế của quân đội Hoa Kỳ có tên gọi là "Bộ cảm biến lưới nâng cao phòng thủ tên lửa hành trình tấn công mặt đất chung (JLENS) đã khiến ông Thompson “giật mình”.

Hệ thống JLENS là một dự án của Quân đội, do Tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ Raytheon của Mỹ thiết kế vào năm 1998. JLENS cho phép do thám 360 độ để theo dõi các tên lửa hành trình tầm thấp, máy bay không người lái và các mối đe dọa khác. Đáy của loại khí cầu điều khiển được này có gắn một radar khẩu độ tổng hợp.

Quân đội Hoa Kỳ bắt đầu đổ tiền vào chương trình này từ những năm 2010, nhưng cuối cùng đã ngừng tài trợ vào năm 2017. Trước đó hai năm, sau khi một trong hai khí cầu của chương trình bị hỏng, nó đã gây ra sự cố mất điện nghiêm trọng ở tiểu bang Pennsylvania.

Khí cầu trên không của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) được trưng bày tại Triển lãm Hàng không & Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc ở Chu Hải, Trung Quốc, ngày 31/10/2016. (Ảnh: Bloomberg/Qilai Shen/Getty Images)

Nếu đặt hai khí cầu cạnh nhau, “quý vị sẽ nghĩ rằng chúng được sản xuất bởi cùng một công ty”, ông Thompson nói và nhấn mạnh rằng điểm khác biệt duy nhất là một cái có chữ Trung Quốc trên đó.

Nhân viên JLENS giám sát quá trình thổi phồng của một khinh khí cầu ở căn cứ quân sự Aberdeen Proving Grounds ở bắc tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, ngày 15/12/2014. (Ảnh: Ronald Seller/Quân đội Hoa Kỳ)

Ông Thompson cho biết, có thể người Trung Quốc đã sao chép thiết kế khí cầu của Hoa Kỳ và điều chỉnh một số bộ phận như vật liệu và kích thước sao cho phù hợp với nhu cầu của họ.

Raytheon và CETC không trả lời yêu cầu bình luận của The Epoch Times.

Khinh khí cầu Truy Vân của ông Vũ Triết được phóng gần Hải Nam, một tỉnh đảo nằm ở mũi phía nam của Trung Quốc. Đây là địa điểm mà giới chức Hoa Kỳ đã xác định là căn cứ để Trung Quốc tiến hành các chương trình khinh khí cầu do thám của mình.

Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, cho biết, khi nói đến chương trình gián điệp rộng lớn của Trung Quốc, những thực thể bị Hoa Kỳ trừng phạt mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Tuy nhiên, các chính phủ phương Tây gặp rất nhiều trở ngại trong việc ngăn cản hoạt động bí mật của Trung Quốc. Như ông Tô Tử Vân đã nêu, Trung Quốc có thể đơn giản sử dụng các công ty bình phong làm vỏ bọc để đánh cắp hoặc nhập khẩu công nghệ phương Tây mà không thu hút sự chú ý.

Theo chiến lược kết hợp dân sự - quân sự, mọi công ty tư nhân đều có thể gián tiếp hỗ trợ sự phát triển quân sự của chế độ này, điều đó khiến cho việc vạch ra ranh giới và áp đặt trừng phạt trở nên khó khăn hơn. Nhưng điều đó ít nhất đã khiến chính quyền Mỹ mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn các thực thể Trung Quốc mua lại các công ty Mỹ, ông nói.

Theo ông Tô Tử Vân, trong khi các nước phương Tây cũng đang phát triển công nghệ khinh khí cầu, thì điều làm nên sự khác biệt giữa các chương trình này là chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc.

Ông nói với The Epoch Times: “Các quốc gia dân chủ bị ràng buộc bởi luật pháp về việc không được xâm phạm không phận của các quốc gia khác. Đây là lý do tại sao với cùng một công nghệ, nhưng một khi nó nằm trong tay ĐCSTQ thì sẽ trở thành mối đe dọa”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bên trong chương trình khinh khí cầu quân sự của Trung Quốc - Phần nổi của tảng băng chìm