Nồng hậu tiếp đón Henry Kissinger, lạnh nhạt các quan chức Mỹ khác - Bắc kinh gửi tín hiệu gì tới Washington?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi giới chức Hoa Kỳ phải đối mặt với các mức độ lạnh nhạt hoặc các bài phê bình khác nhau từ chính quyền và phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Henry Kissinger lại được Bắc Kinh chào đón nồng nhiệt.

Ông Kissinger được người Trung Quốc yêu quý vì đã thiết kế mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Washington dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong Chiến tranh Lạnh vào đầu những năm 1970.

Trong một bài viết vào tháng 5, nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của ông Kissinger, Global Times - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ - đã ca ngợi ông Kissinger là “huyền thoại” và “vẫn giữ được tâm trí tuyệt vời, sắc bén trong quan hệ Mỹ - Trung bằng cách cảnh báo rõ ràng tới Washington” rằng đừng thi hành chính sách quan hệ thù địch với Bắc Kinh.

Trung Quốc đã cắt đứt nhiều đường dây liên lạc với chính quyền Biden vào tháng 8 năm ngoái để thể hiện sự tức giận với chuyến đi Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi. Trung Quốc tuyên bố hòn đảo này là lãnh thổ của họ và sẽ bị kiểm soát bằng vũ lực nếu cần thiết. Mỹ - Trung cũng bất đồng về các hành động quân sự hóa của Trung Nam Hải ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, về chiến tranh Ukraine, và về nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, ngay cả trước chuyến thăm Đài Bắc của bà Pelosi, Washington cho biết, kể từ năm 2021, phía Trung Quốc đã từ chối hơn một chục yêu cầu tổ chức các cuộc đối thoại cấp cao từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

Chuyến thăm Bắc Kinh của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger diễn ra sau các chuyến công du của Ngoại trưởng đương nhiệm Antony Blinken (giữa tháng 6) và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen (đầu tháng 7); và cùng lúc với chuyến đi tới Trung Quốc của Đặc phái viên khí hậu John Kerry.

Nồng hậu tiếp đón Henry Kissinger, lạnh nhạt với các quan chức khác - Bắc kinh gửi thông điệp tới chính quyền Biden
Năm 1973, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gặp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông (1893-1976) như một phần trong chính sách hòa hoãn của Tổng thống Richard Nixon. (Ảnh: MPI / Getty Images)

Được ông Tập tiếp đón nồng hậu

Hôm thứ 5 (20/07), nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp đón ông Henry Kissinger - Ngoại trưởng thời chính quyền Richard Nixon - ở Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài tại Bắc Kinh. Tại đây, ông Tập bày tỏ lòng biết ơn đối với người đàn ông 100 tuổi vì vai trò của ông trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nửa thế kỷ trước.

Cũng tại Điếu Ngư Đài, tháng 07/1971, ông Kissinger đã lần đầu tiên gặp Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Chu Ân Lai để đàm phán bí mật về việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

Tại cuộc gặp mặt lần này, ông Tập ca ngợi “tầm nhìn chiến lược tuyệt vời” của nỗ lực ngoại giao trong quá khứ đó. “Người dân Trung Quốc coi trọng tình hữu nghị, và chúng tôi sẽ không bao giờ quên người bạn cũ của mình cũng như đóng góp lịch sử của ông trong việc thúc đẩy sự phát triển của quan hệ Trung - Mỹ và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân Trung và Mỹ”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với ông Kissinger, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Ông Tập cũng nói rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay — 5 thập kỷ sau chuyến thăm đầu tiên của ông Kissinger — một lần nữa đi đến ngã tư đường. “Trung Quốc và Hoa Kỳ lại một lần nữa đứng trước ngã tư đường, và hai bên cần đưa ra những quyết định mới", ông Tập nói, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

“Nhìn về tương lai, Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể đạt được thành công và thịnh vượng chung", Chủ tịch Tập nói với vị khách của mình. “Tôi hy vọng ông và những người Mỹ sáng suốt khác sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc đưa quan hệ Mỹ - Trung trở lại đúng hướng".

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không gặp mặt bà Janet Yellen và ông John Kerry, tuy nhiên đã gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ đương nhiệm Antony Blinken khi ông này đến Bắc Kinh vào tháng 6.

Nồng hậu tiếp đón Henry Kissinger, lạnh nhạt với các quan chức khác - Bắc kinh gửi thông điệp tới chính quyền Biden
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 02/12/2016 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Nicolas Asouri/Pool/Getty Images)

Trò chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc

Thứ 3 (18/07), ông Kissinger đã gặp ông Lý Thượng Phúc - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Sự kiện này là một minh chứng khác về địa vị ông Kissinger ở Trung Quốc.

Cuộc gặp diễn ra khoảng 1 tháng sau khi ông Lý thẳng thừng từ chối gặp mặt người đồng cấp Hoa Kỳ Lloyd Austin tại một diễn đàn an ninh thường niên ở Singapore, bất chấp việc Washington đang thúc đẩy cải thiện liên lạc giữa quân đội Mỹ với quân đội Trung Quốc. Hoa Kỳ đã lập luận rằng hai quốc gia cần tăng cường đối thoại để tránh những hiểu lầm thảm khốc có thể xảy ra giữa quân đội hai bên. Trung Quốc thì chỉ trích các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt lên ông Lý kể từ năm 2018 khi ông này điều hành các phòng ban vũ khí thuộc quân đội Trung Quốc và mua máy bay chiến đấu cũng như thiết bị tên lửa từ Nga.

Trong cuộc gặp với ông Kissinger, ông Lý nói rằng một số người ở Hoa Kỳ đã không đủ thiện chí với Trung Quốc, “khiến quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao", theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ông Lý kêu gọi Washington đưa ra phán đoán chiến lược đúng đắn, đồng thời cho biết ông vẫn nuôi hy vọng cải thiện quan hệ.

Về phần mình, ông Kissinger kêu gọi quân đội hai nước tăng cường liên lạc, theo truyền thông Trung Quốc. “Cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể coi nhau là đối thủ. Nếu hai nước xảy ra chiến tranh, nó sẽ không mang lại bất kỳ kết quả có ý nghĩa nào cho người dân hai bên".

Ông Matthew Miller, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết cuộc gặp của ông Kissinger với ông Lý không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ; giống như việc ông Austin có thể tự do gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nếu ông ấy sẵn lòng.

“Chúng tôi biết rằng ông Henry Kissinger đang thăm Trung Quốc”, ông Miller nói trong một cuộc họp báo vào hôm thứ 3. “Ông ấy ở đó theo ý muốn của mình, không hành động thay mặt cho chính phủ Hoa Kỳ".

Gặp gỡ ông Vương Nghị

Trong chuyến đi của mình, ông Kissinger cũng được ông Vương Nghị - quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc - tiếp đón nồng hậu vào hôm thứ 4.

Ông Vương đã ca ngợi cựu Ngoại trưởng Mỹ như sau: “Chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ đòi hỏi sự khôn ngoan ngoại giao của Kissinger và lòng dũng cảm chính trị của Nixon".

Đề cập đến vai trò của ông Kissinger trong việc khởi xướng quan hệ Trung - Mỹ, ông Vương cho biết ông Kissinger đã đóng “vai trò không thể thay thế trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước”.

Nồng hậu tiếp đón Henry Kissinger, lạnh nhạt với các quan chức khác - Bắc kinh gửi thông điệp tới chính quyền Biden
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger tại Nhà khách Điếu Ngư Đài, ngày 08/11/2018, ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Thomas Peter/Pool/Getty Images)

Hai ông thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, trong đó Trung Quốc phần lớn đứng về phía Moscow, cũng như trí tuệ nhân tạo và các vấn đề kinh tế khác. Ông Vương nói với ông Kissinger rằng “không thể” biến đổi, bao vây hoặc kiềm chế Trung Quốc - điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đang cố gắng thực hiện trong các tranh chấp về thương mại, công nghệ, Đài Loan và hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

Ông Kissinger không gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, người đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn 3 tuần. Mạng xã hội Trung Quốc lan truyền vô số đồn đoán về bê bối cá nhân và đấu đá chính trị xung quanh việc ông Tần ‘biến mất’.

So sánh với chuyến công du Bắc Kinh của ông John Kerry

Chuyến thăm của ông Kissinger trùng với chuyến công du của ông John Kerry - Đặc phái viên hàng đầu về khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Kerry là quan chức cấp cao thứ ba của chính quyền Biden trong những tuần gần đây tới thăm Trung Quốc, sau Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.

Ông Kerry, từng là Ngoại trưởng dưới thời chính quyền Barack Obama, được các quan chức cấp cao Trung Quốc gọi là “một người bạn cũ” nhưng đã không có cuộc gặp với ông Tập. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc lại tham dự một diễn đàn riêng về biến đổi khí hậu, nơi ông nói rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi các mục tiêu khí hậu của riêng mình mà “không có sự can thiệp từ bên ngoài”.

Nhìn vào cách Bắc Kinh đối xử với ông Kissinger và cách họ đối xử với ông Kerry, ông Blinken và bà Yellen, có thể thấy Trung Nam Hải có cách tiếp cận hai hướng khi nói đến việc hàn gắn mối quan hệ bị rạn nứt nghiêm trọng với Mỹ. Dù chấp nhận lời khẩn cầu của Washington trong việc nối lại quan hệ, Bắc Kinh đang cố gắng làm như vậy theo cách của riêng họ, với những người Mỹ mà họ coi là đáng tin cậy.

Vào tháng 6, ông Tập đã gặp nhà sáng lập Microsoft Bill Gates tại Bắc Kinh. Ông Tập nói với tỷ phú Gates rằng ông Gates là người Mỹ đầu tiên ông gặp trong năm nay. Một quan chức Trung Quốc cho biết, việc ông Tập tiếp đón ông Gates vài ngày trước khi gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là vì Chủ tịch Tập muốn đảm bảo rằng ông ấy sẽ gặp một người Mỹ thân thiện hơn trước.

Phản ứng của chính quyền Mỹ

Hôm thứ 5, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby phát biểu rằng “thật đáng tiếc” khi một cá nhân như ông Kissinger có thể gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, mà ông Austin thì không.

“Thật đáng tiếc khi một công dân có thể gặp và nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, còn [chính phủ] Hoa Kỳ thì không thể. Đó là điều mà chúng tôi muốn giải quyết. Đây là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục cố gắng mở lại các tuyến liên lạc quân sự bởi vì khi chúng không mở lại… và khi căng thẳng lên cao, cùng với những tính toán sai lầm, thì rủi ro sẽ tăng cao”.

Ông Kirby nói rằng các quan chức chính quyền Mỹ "mong muốn nghe được từ [cựu] Ngoại trưởng Kissinger khi ông ấy trở lại, để hiểu những gì ông ấy đã nghe, những gì ông ấy đã tìm hiểu, những gì ông ấy đã thấy”.

Ông Kissinger là một nhân vật gây tranh cãi ở Mỹ. Ông từng được đồng trao giải Nobel Hòa bình cho các cuộc đàm phán dẫn đến ngừng bắn trong Chiến tranh Việt Nam - kết thúc vào năm 1975. Tuy nhiên, một số nhà phê bình coi ông là tội phạm chiến tranh vì vai trò của ông trong các chiến dịch ném bom bí mật ở Campuchia và Lào, cũng như vì sự hỗ trợ của ông cho các cuộc đảo chính ở Chile và Argentina, và cũng vì ông đã nhắm mắt làm ngơ trước những hành động tàn bạo do Pakistan gây ra trên diện rộng trong cuộc chiến giành độc lập năm 1971 của Bangladesh.

Xuân Hoa tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nồng hậu tiếp đón Henry Kissinger, lạnh nhạt các quan chức Mỹ khác - Bắc kinh gửi tín hiệu gì tới Washington?